Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Arizona (Mỹ) và Sở Động vật hoang dã và Thủy sản Louisiana đã phát hiện ra rằng cá sấu non có khả năng mọc lại một phần đuôi, có thể lên tới 18% cơ thể của chúng.
Nhóm nghiên cứu đã kết hợp các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến với các phương pháp nghiên cứu giải phẫu và tổ chức mô đã được chứng minh để kiểm tra cấu trúc của những chiếc đuôi mọc lại này. Họ phát hiện ra rằng những chiếc đuôi mới có cấu trúc phức tạp, với bộ xương bao gồm nhiều phần sụn được bao quanh bởi các mô liên kết xen kẽ với các mạch máu và dây thần kinh.
Tiến sĩ Cindy Xu từ Đại học Bang Arizona cho biết điều khiến phát hiện này trở nên thú vị đó là chiếc đuôi mọc lại của cá sấu có dấu hiệu tái tạo và chữa lành vết thương trong cùng một cấu trúc. Sự phát triển của sụn, mạch máu, dây thần kinh và vảy phù hợp với các nghiên cứu trước đây về cách thằn lằn tái tạo đuôi của mình.
"Tuy nhiên, chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra mô liên kết giống như sẹo thay cho cơ xương ở đuôi cá sấu mọc lại. Các nghiên cứu so sánh trong tương lai sẽ rất quan trọng để hiểu tại sao khả năng tái tạo lại khác nhau giữa các nhóm bò sát và động vật", bà Xu chỉ ra.
Cá sấu, thằn lằn và con người đều thuộc nhóm động vật có xương sống được gọi là động vật có màng ối. Ngoài các nghiên cứu trước đây về khả năng mọc lại đuôi của thằn lằn, việc phát hiện ra khả năng tương tự ở cá sấu cung cấp thông tin có giá trị về quá trình tái tạo chi trong phân loại động vật có màng ối.
Giáo sư Kenro Kusumi từ Đại học Bang Arizona cho rằng tổ tiên của cá sấu, khủng long và chim tách ra từ khoảng 250 triệu năm trước.
"Qua phát hiện này, chúng ta nhận ra rằng cá sấu đã giữ lại bộ máy tế bào để mọc lại những chiếc đuôi trong khi loài chim đã mất đi khả năng đó. Điều này đặt ra câu hỏi về việc từ khi nào trong quá trình tiến hóa, khả năng này đã mất đi", ông Kusumi nói.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện của họ sẽ giúp dẫn đến những khám phá về phương pháp điều trị mới để khắc phục các chấn thương và điều trị các bệnh như viêm khớp.