Trong công văn trả lời Bộ GD&ĐT phát đi ngày 9/2, về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp, do virus Corona gây ra tại trường học, Bộ Y tế đã đưa ra ý kiến về điều kiện, tiêu chí cho học sinh nghỉ.
Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học bình thường, sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp, vệ sinh bàn ghế, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh (nước sạch và xà phòng).
Đồng thời, nhà trường hướng dẫn học sinh, giáo viên và phụ huynh về cách thức phòng bệnh, ngăn ngừa lây nhiễm.
Trước diễn biến của dịch bệnh do virus corona gây ra, 63/63 tỉnh, thành phố cả nước đã kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh để phòng bệnh đến hết ngày 16/2, một số địa phương thông báo cho học sinh nghỉ chưa xác định ngày đi học lại. Việc cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo công tác phòng, tránh dịch bệnh trong các nhà trường được an toàn. Tuy nhiên, nghỉ học kéo dài cũng khiến không ít phụ huynh băn khoăn về kế hoạch học tập của con có bị ảnh hưởng.
"Chúng ta không mong, nhưng nếu bất khả kháng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì UBND các tỉnh theo thẩm quyền phải chủ động theo dõi tình hình, quyết định cho học sinh nghỉ hay đi học tiếp. Bộ cũng đã tính đến tình huống học sinh tiếp tục phải nghỉ học. Khung thời gian năm học đã ban hành cũng có thể sẽ điều chỉnh nếu cần thiết.
Hiện nay, quy định ngày 31/5 là kết thúc năm học, nhưng nếu trong trường hợp bất khả kháng có thể lùi lại sang tuần đầu của tháng 6. Nếu trong trường hợp diễn biến dịch bệnh xấu hơn, Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học để bảo đảm thực hiện đầy đủ khung thời gian chương trình, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cho học sinh", ông Thành cho biết.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông cho biết, khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018 đã được Bộ GD&ĐT ban hành kèm Quyết định Số 2071/QĐ-BGDĐT. Căn cứ vào khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ, các nhà trường, địa phương xây dựng kế hoạch thời gian năm học của mình. Bởi vậy, khi học sinh phải nghỉ học trong một khoảng thời gian vì dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến kế hoạch chung này. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch, khi cho học sinh nghỉ học phải xây dựng kế hoạch cho học sinh học bù.
"Trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương. Khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học thì được thiết kế chỉ 35 tuần. Như vậy các địa phương có thể sử dụng quỹ thời gian này để học bù", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.