Đầu tháng này, Liên Hợp Quốc, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế cùng nhiều tổ chức khác tuyên bố mọi người đều có cơ hội được tiếp cận vaccine COVID-19, nhưng đây không phải là những tuyên bố có sức nặng, nếu không có chiến lược chi tiết, rất có thể việc phân bổ vaccine sẽ rơi vào hỗn loạn.
“Chúng ta được vẽ một bức tranh đẹp về cảnh tượng ai cũng được tiêm vaccine, nhưng chỉ dẫn để nó trở thành hiện thực thì không hề được đề cập”, theo bà Yuan Qiong Hu, cố vấn chính sách và pháp lý cao cấp của tổ chức Bác sĩ không biên giới.
Trước đây, các công ty thường xin cấp bằng sáng chế cho gần như mọi bước phát triển và sản xuất vaccine: từ vật liệu sinh học, đến chất bảo quản cần thiết để kéo dài liều vaccine và thậm chí cả cách tiêm, bà Yuan nói.
“Chúng ta không đủ khả năng để đối phó với các tầng lớp đặc quyền để tạo ra loại vaccine cho toàn dân”, theo bà Yuan.
Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo cũng đồng tình về quan điểm này khi phát biểu tại một hội nghị về vaccine.
“Sự lan truyền toàn cầu của COVID-19 đã cho chúng ta biết rằng bệnh tật không chừa ranh giới và không quốc gia nào có thể tự vượt qua một mình”, Tổng thống Ghana nói. “Chỉ có một loại vacine toàn dân mới có thể bảo vệ toàn bộ nhân loại khỏi virus.”
Trên toàn thế giới, khoảng một chục vaccine COVID-19 đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm. Mặc dù một số có thể chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lên người vào cuối năm nay nếu mọi việc suôn sẻ, nhưng triển vọng để được cấp giấy phép vào đầu năm sau là rất nhỏ.
Ngoài ra, nhiều quốc gia giàu đã đặt hàng một số công ty dược phẩm và mong đợi được giao ngay cả trước khi chúng được chấp thuận rộng rãi.
Anh và Mỹ đã đầu tư hàng triệu đô la vào các dự án phát triển vaccine, bao gồm một dự án được phát triển bởi Đại học Oxford và được sản xuất bởi công ty AstraZeneca. Đổi lại, cả hai nước dự kiến sẽ được ưu tiên phân bổ.
Chính phủ Anh tuyên bố rằng nếu vaccine chứng minh được hiệu quả, 30 triệu liều đầu tiên sẽ được dành riêng cho người dân Anh.
Riêng AstraZeneca đã ký một thỏa thuận để cung cấp ít nhất 300 triệu liều cho nước Mỹ, với các đợt đầu tiên được giao vào đầu tháng 10.
Tuần trước, Liên minh châu Âu đã có động thái để đảm bảo nguồn cung của riêng mình. Vào thứ bảy, AstraZeneca đã ký một thỏa thuận với cung cấp vaccine cho Đức, Pháp, Ý và Hà Lan để đảm bảo 400 triệu liều vào cuối năm nay.
Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng đang nỗ lực để các quốc gia đang phát triển không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua phân bổ vaccine COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức khác đã kêu gọi các công ty dược cung cấp bằng sáng chế COVID-19, nhằm chia sẻ dữ liệu và kiến thức cho các công ty dược phẩm khác.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, cho biết họ đang nghiên cứu phát triển một bộ khung về cách thức phân bổ vaccine.
Swaminathan cho biết cô hy vọng có thể dành 2 tỷ liều cho các nhân viên y tế dễ bị tổn thương vào cuối năm tới và WHO sẽ đề xuất cách phân phối chúng.
“Các nước cần phải đồng ý và đi đến thống nhất”, cô nói. “Đây là cách duy nhất để làm việc này.”