Cụ thể, Đại học Bách khoa Hà Nội đã kết thúc nhiệm vụ chủ trì nhóm lọc ảo miền Bắc lúc 17 giờ 30 phút, bàn giao dữ liệu cho 60 trường đại học khu vực phía Bắc; đồng thời công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học của nhà trường theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024 và phương thức xét tuyển dựa theo kết quả bài thi đánh giá tư duy.
Phó Giáo sư Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm nay, mặc dù số lượng nguyện vọng phải xử lý trên hệ thống tăng gần gấp đôi so với năm 2023 nhưng kết quả lọc ảo đã được bàn giao cho các trường trong nhóm đúng kế hoạch. Điểm chuẩn trúng tuyển vào các chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội khá sát so với mức nhà trường đã dự báo. Hầu hết các thí sinh đã tận dụng tối đa cơ hội để xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội khi sử dụng cả điểm thi đánh giá tư duy (TSA) và điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Chương trình Khoa học máy tính (IT1) lấy điểm chuẩn cao nhất là 83,82 đối với điểm thi đánh giá tư duy và 28,53 đối với điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Chương trình Kỹ thuật máy tính (IT2) lấy điểm chuẩn là 82,08 đối với điểm thi đánh giá tư duy và 28,48 đối với điểm thi tốt nghiệp, cao thứ hai năm nay. Kế đó, chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10) có số điểm tương ứng là 81,6 và 28,22 điểm.
Hai chương trình có điểm chuẩn thấp nhất năm nay là TROY-IT và TROY-BA với mức điểm là 50,29 đối với điểm thi đánh giá tư duy và 21 đối với điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Như vậy, với điểm thi đánh giá tư duy, mức điểm chuẩn khá ổn định so với năm 2023. Còn đối với điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, mức điểm chuẩn đã giảm nhẹ. Lý do là Đại học Bách khoa Hà Nội đã dành thêm các chỉ tiêu xét vào các chương trình "hot" như Khoa học máy tính, Điều khiển và tự động hóa, Bán dẫn vi mạch bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Năm 2023, điểm chuẩn cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội là 83,97 theo điểm thi đánh giá tư duy và 29,42 theo điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đối với chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10). Các chương trình còn lại lấy không dưới 50,4 theo điểm thi đánh giá tư duy và 21 điểm theo điểm thi tốt nghiệp.
Trường Đại học Thương mại cũng vừa công bố điểm chuẩn, với mức điểm cao nhất là 27 điểm (ngành Thương mại điện tử). Các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) có điểm chuẩn từ 25 đến 26 điểm, các chương trình đào tạo còn lại điểm chuẩn từ 25,5 đến 27 điểm.
Tiến sĩ Phan Thu Trang, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh của Trường Đại học Thương mại cho biết: Năm nay, mức điểm chuẩn thấp nhất của trường là 25 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2023. Mức điểm chuẩn cao nhất là 27 điểm, bằng năm 2023. Điểm chuẩn bình quân các ngành của Trường Đại học Thương mại năm 2024 tăng 0,3 điểm so với năm 2023.
Học viện Ngân hàng công bố điểm chuẩn dao động từ 25,6 - 28,13, trong đó, ngành Luật kinh tế cao nhất với 28,13 điểm. Nhiều ngành khác cũng lấy điểm chuẩn trên 26 như: Kinh doanh quốc tế, Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, Ngân hàng, Ngân hàng số, Kinh tế đầu tư, Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Những ngành còn lại đều trên 25 điểm, thấp nhất là ngành Quản trị du lịch với 25,6 điểm. Xét ở thang điểm 40 (môn Toán nhân hệ số 2), ngành Tài chính có điểm trúng tuyển cao nhất với 34,2 điểm.
Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là trường đại học đầu tiên khối ngành Y Dược công bố điểm chuẩn năm nay. Trong đó, điểm chuẩn cao nhất là ngành Y khoa với 25,4 điểm, tiếp đó là ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng với 20,5 điểm. Các ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học và Kỹ thuật hình ảnh y học cùng có mức điểm chuẩn 20 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất là ngành Điều dưỡng với 19 điểm./.