Dù mới giữa học kỳ hai và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa chốt môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thế nhưng các trường trung học cơ sở trên địa bàn Thủ đô đã và đang nỗ lực vừa dạy vừa ôn tập, trang bị kiến thức cho học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này.
Tận dụng "thời gian vàng"
Theo cô Đỗ Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Sở (quận Hoàng Mai), ngay khi học sinh được trở lại học trực tiếp từ đầu tháng Hai, trường đã xác định đây là khoảng "thời gian vàng" để vừa củng cố kiến thức cho học sinh trong giai đoạn học trực tuyến, vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn tập cho các em, đặc biệt là với học sinh khối 9.
“Theo quy định, chúng tôi chỉ được học một buổi trên ngày nên các thầy cô giáo đểu sử dụng tối đa thời gian giảng dạy trên lớp, tận dụng thời gian vàng để củng cố kiến thức giúp học sinh vững tin trong việc tham gia các kỳ thi, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới,” cô Hà nói.
Cùng chủ trương tận dụng "thời gian vàng" tại Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, cô Ngô Thị Diệp Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho hay với học sinh lớp 9, trường cố gắng sắp xếp các môn cố định thi vào lớp 10 là Toán, Văn, Tiếng Anh theo cách thức xếp hai tiết liền.
“Dù dạy một hay hai tiết giáo viên cũng mất thời gian cho việc tổ chức lớp nên cách làm này giúp giáo viên tận dụng tối đa thời gian làm việc trên lớp với học sinh trong một buổi học. Chúng tôi thấy hiệu quả gia tăng rõ rệt,” cô Lan chia sẻ.
Theo cô Lan, tất cả các trường đều xác định nhiệm vụ quan trọng là giúp các em học sinh lớp 9 thi vào lớp 10 đạt kết quả tốt nhất. “Khi đi học trực tiếp trở lại, chúng tôi đã phải làm rất nhiều việc. Thứ nhất là rà soát lại toàn bộ kiến thức trong thời gian các con học trực tuyến. Thứ hai là tận dụng tối đa khoảng thời gian học trực tiếp có được kể giúp học sinh có kiến thức vững vàng để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, dù môn thứ 4 là môn nào đi chăng nữa,” cô Lan cho hay.
Dạy kèm học sinh yếu
Để việc học đạt hiệu quả cao nhất, các thầy cô giáo đã phân loại học sinh để có cách ôn tập phù hợp nhất, trong đó đặc biệt chú trọng nhóm học sinh còn yếu kém.
Theo cô Hoàng Thị Nguyên, giáo viên tổ trưởng tổ toán, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, tổ toán đã xây dựng các chủ đề để ôn thi vào lớp 10. Ở mỗi lớp, các giáo viên đều phân loại các nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Với các em nhóm trên, có học lực tốt hơn, giáo viên sẽ cho nhiều chủ đề nâng cao hơn. Với các bạn còn kém hơn, chúng tôi sẽ có các buổi tăng cường riêng để các em không bị tâm lý đuối hơn các bạn khác.
Tại trường Trung học cơ sở Giáp Bát, theo cô giáo Đặng Thị Lan, các thầy cô đã bổ sung thêm tiết 0 để phụ đạo cho học sinh, từ 6 giờ 45 phút đến 7 giờ 30 phút, trước khi học sinh bắt đầu vào tiết 1.
“Một lớp thường có khoảng 1/3 học tương đối kém, tôi thực hiện nhiều cách khác nhau như cho con bài tập làm thêm, bạn nào kém quá thì dạy riêng cho các em. Tôi quy định với học sinh từ 8 đến 9 giờ tối là giờ giải đáp mọi thắc mắc của các em nhưng vẫn luôn mở điện thoại cả ngày để có thể hỗ trợ các em bất cứ lúc nào. Trong học kỳ 1, khi học trực tuyến, tôi cũng phụ đạo thêm cho học sinh nửa tiếng,” cô Lan nói.
Nỗ lực dạy và ôn tập cho học lớp 9 trước kỳ thi có tính cạnh tranh cao, các thầy cô giáo cũng cho hay họ mong Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm chốt môn thi thứ 4 để nhà trường có kế hoạch ôn tập cụ thể hơn khi năm học này, các em học sinh đã chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.