Cải tạo văn hóa ven bờ sông Hồng: Hiện thực hóa một giấc mơ dang dở

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tìm hướng đi cho những không gian ven bờ sông Hồng không chỉ giúp cư dân Thủ đô tiếp nối khát vọng ngàn đời, hòa hợp và cộng sinh cùng dòng sông, mà còn thúc đẩy quá trình hiện thực hóa giấc mơ về “thành phố hai bên bờ sông Hồng”, nơi kiến tạo, mở ra trục không gian, hành lang xanh quan trọng của Hà Nội.
Cải tạo văn hóa ven bờ sông Hồng: Hiện thực hóa một giấc mơ dang dở

Ký ức về những bãi bồi

Ngồi trong căn nhà có tầm nhìn hướng ra cầu Long Biên, cây cầu ghi dấu nhiều thăng trầm của Thủ đô lịch sử, chị Khánh Hòa (Phúc Tân, Hà Nội) trải lòng về những ngày đầu cùng gia đình dọn về sống ở nơi đây. Với số vốn khiêm tốn gom góp sau khi kết hôn, vợ chồng chị lựa chọn mua một căn nhà ngay dưới chân cầu, xây dựng tổ ấm trên bãi Phúc Tân.

Trong ký ức của chị Hòa, lúc đó Phúc Tân, Phúc Xá nổi tiếng là “khu ổ chuột”. Nhà cửa, dân cư vô cùng thưa thớt. Trước cửa ngôi nhà của anh chị, nơi bãi bồi tiếp giáp với dòng sông là bạt ngàn lau sậy cùng ngổn ngang các loại rác thải sinh hoạt. Tất cả như vây lấy tầm mắt, kéo tít tắp ra tới mặt sông mênh mang sóng nước.

“Dọn về tôi không nghĩ ngợi nhiều vì điều kiện kinh tế chỉ cho phép mua nhà ở đây. Nhưng sang năm sau, sinh cháu trai đầu, nhìn vào khu xóm, tôi chợt lo. Mỗi sáng dỗ con ăn trước cửa, lúc thì thấy chục cái kim tiêm lúc thì rắn rết bò từ dưới sông vào, tôi tự hỏi con sẽ trưởng thành ra sao, kết bạn thế nào khi chỉ nghe tiếng dân Phúc Tân là người trong phố đã ái ngại”, chị Hòa tâm sự.

Vào những năm 2003, các bãi bồi ven sông không chỉ là khu vực ô nhiễm nhức nhối mà còn phức tạp với tệ nạn nghiện hút. Tình hình mất an ninh, mùi hôi của rác thải khiến người dân đóng kín cửa khi trời chập choạng và chỉ ra ngoài khi đã sáng bảnh.

Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc hai phường Chương Dương và Phúc Tân. Trong đó, khu vực bãi bồi ven sông thuộc địa bàn phường Phúc Tân rộng khoảng 11,2 ha do các hộ dân canh tác trồng rau, hoa màu, chăn nuôi; khu vực thuộc địa bàn phường Chương Dương diện tích 4,12 ha do tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng…

Cách nhà chị Hòa hơn một cây số, xuôi xuống phía Nam bãi Phúc Tân, trong không gian xanh mát của Công viên rừng bờ vở sông Hồng, ông Phạm Thứ (Phúc Tân, Hà Nội) say sưa kể về những lớp dân cư đã đến, sinh sống ở bãi bồi chân cầu Chương Dương. Đó là những mảnh đời đa dạng, từ các kỹ sư bắc cầu phao vượt sông trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến dân tứ xứ tới Hà Nội sống bám vào các chợ đầu mối, mang theo ước vọng về một miền đất hứa.

“Gia đình tôi ở đây đã bốn thế hệ. Khi tôi còn nhỏ, sông ăn vào sát nhà. Kể từ khi có thủy điện, tốc độ bồi tụ tăng, diện tích bãi bồi mở rộng nhanh chóng. Nhưng khi đó dân cư xả thải tràn lan nên bãi sông rất ô nhiễm. Từng có thời các hộ gia đình, cụm xóm họp nhau bàn xây tường chắn lối ra sông”, ông Thứ nói.

Cải tạo văn hóa ven bờ sông Hồng: Hiện thực hóa một giấc mơ dang dở ảnh 1

Như vậy, sự gia tăng diện tích tự nhiên, cộng thêm việc thiếu quy hoạch từ phía thành phố, chưa có cơ chế quản lý an ninh, môi trường từ chính quyền phần nào khiến những bãi bồi bên rìa thành phố mang định kiến là những khu vực hoang hóa, đầy rẫy nguy hiểm, khó tiếp cận. Điều này gián tiếp khiến nhiều thập kỷ qua, Hà Nội đã “bỏ quên” khu vực đất đai rộng lớn, giàu giá trị tiềm năng ven sông Hồng.

Quay lưng vào dòng sông

Gắn bó hàng chục năm với các nghiên cứu về Thủ đô cũng như sông Hồng, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ, xuyên suốt các giai đoạn trong lịch sử, Thăng Long - Kẻ Chợ nổi lên trong dáng vóc của một đô thị nghìn năm tuổi, với sức sống chủ yếu từ nguồn lực sông Hồng. Về mặt hình thức, đô thị phát triển thiên về một bên sông, nhưng kỳ thực là đô thị mở ra sông, lấy dòng sông làm mặt tiền, làm trung tâm cho các mối giao lưu, hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa.

Thăng Long - Kẻ Chợ là kinh đô, kinh sư, đô thị phát triển đúng như tầm nhìn và thiết kế của đại công trình sư Lý Thái Tổ. Tuy nhiên dưới thời kỳ chiếm đóng của người Pháp, họ không còn đầu tư cho hệ thống giao thông, giao thương đường thủy. Các dòng sông như sông Hồng, sông Tô, sông Kim Ngưu hầu như bị bỏ ngỏ. Nhiều đoạn sông bị san lấp thành phố xá, những đoạn còn lại trở thành nơi xả rác, chứa các loại nước thải của nhà máy, xí nghiệp và các khu dân cư.

Xuyên suốt các thời đoạn lịch sử, dòng sông Hồng vốn hung dữ được người Hà Nội đời đời kiên trì thuần dưỡng. Cho đến đầu thế kỷ XIX, Hà Nội trải qua nhiều biến đổi. Thành phố vốn cởi mở trước sự lên xuống của con nước, dần co cụm, nép mình trong đê. Các cụm dân cư, ngõ xóm tăng lên, trải rộng hai bên bờ sông với mật độ dày đặc nhưng chất lượng đô thị, môi trường lại xuống cấp trầm trọng, tạo nên những vùng dân cư dành cho lao động nghèo, điều kiện thiếu thốn.

Sông Hồng từ vị trí trung tâm của ngàn đời, trong thực tế trở thành vùng bị đẩy hẳn sang bên lề của các kế hoạch phát triển đô thị. Dòng sông trở lại bản tính hung dữ, khó lường, có thể gây ra bất trắc cho cộng đồng cư dân ven sông, mất đi dáng vẻ thân thiện, hài hòa của một dòng chủ đạo trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Thời kỳ quản lý tập trung quan liêu bao cấp, người ta không mấy quan tâm đến việc khai thác nguồn lực tổng hợp của dòng sông. Điều này biến sông Hồng trở thành chướng ngại vật khổng lồ cho bước phát triển tiếp theo của đô thị Hà Nội.

Cải tạo văn hóa ven bờ sông Hồng: Hiện thực hóa một giấc mơ dang dở ảnh 2

Dù vậy, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc và chính quyền đều đã nhận thức và quan tâm đến vai trò của sông Hồng trong sự phát triển và định dạng thương hiệu văn hóa của Thủ đô. Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó sông Hồng được xác định sẽ là trục cảnh quan quan trọng nhất của Thủ đô trong bố cục quy hoạch Hà Nội.

Để hiện thực hóa phê duyệt trên cũng như hoàn thành các mục tiêu đúng thời hạn sẽ cần đến rất nhiều nguồn lực từ phía thành phố, các tổ chức và người dân để chỉnh trang, tái thiết khu vực bờ bãi ven sông.

Tiếp nối khát vọng Hồng Hà

Đứng trước viễn cảnh về “thành phố hai bên bờ sông Hồng”, xây dựng thương hiệu mang bản sắc đô thị nghìn năm tuổi Hà Nội, chính quyền quận Hoàn Kiếm nhận định công tác xử lý rác thải ô nhiễm, trị an luôn là vấn đề bức thiết cần phải thực thi để từ đó phát triển những không gian văn hóa.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm: “Sau khi triển khai tích cực một số dự án cải tạo bờ sông Hồng, hiện nay, một số bãi bồi thuộc phường Chương Dương đã trở thành những con đường sạch đẹp, trồng nhiều cây xanh, là không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu cho người dân, chốn dừng chân của du khách”.

Trở lại câu chuyện của chị Khánh Hòa, bãi bồi đầy lau sậy và rác thải trước cửa nhà từng một thời ám ảnh suy nghĩ của chị và nhiều cư dân trong xóm đã có cuộc chuyển mình ngoạn mục trong năm 2020. Nhiều nguồn lực trong thành phố đã kết nối lại cùng nhau để chuyển đổi 500m đất bãi ven sông, đoạn từ cầu Long Biên đến cầu Chương Dương, thành không gian sáng tạo và đáng sống mang tên “Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân”.

Cải tạo văn hóa ven bờ sông Hồng: Hiện thực hóa một giấc mơ dang dở ảnh 3

Trên nền bức tường ngăn cách khu dân cư với hành lang ven sông, 16 tác phẩm nghệ thuật đến từ nhiều thế hệ họa sĩ đã kể những câu chuyện về lịch sử sông Hồng, về cuộc sống người dân ven sông và về văn hóa Hà Nội. Đáng nói, hầu hết các tác phẩm sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường, tạo nên những tác phẩm sống động, thân thiện.

Một dự án khác được thực hiện vào năm 2022 cũng đã biến bãi đất bỏ hoang chứa 200 tấn rác và nước thải ven sông Hồng thuộc phường Chương Dương, gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho khu dân cư tổ 5, 6 thành không gian công cộng đa chức năng “Vườn rừng cộng đồng bờ vở sông Hồng” phục vụ người dân.

Với 1.500m2 khu vui chơi dành cho trẻ em kết hợp vườn cộng đồng và con đường kết nối các hộ dân cư với không gian xanh. Vườn rừng cộng đồng bờ vở sông Hồng không chỉ góp phần cải thiện môi trường, nâng cao ý thức của người dân trong quản lý và giảm thải rác mà thực sự đã gỡ bỏ ám ảnh, nỗi lo, nối lại khát vọng cộng sinh ngàn đời của cư dân ven bờ với sông Hồng.

Khép lại cuộc nói chuyện trong không gian sôi động và xanh mướt trên Con đường nghệ thuật Phúc Tân, chị Hòa nói: “Kể từ ngày có con đường này, gia đình tôi có thêm không gian để kết nối với bà con lối xóm và tập thể dục, không cần chạy xe vào trong phố. Các cháu đã lớn cũng có chỗ chơi thể thao, tiếp bạn bè. Tròn hai mươi năm chuyển ra bãi Phúc Tân, ngôi nhà, những người hàng xóm, bãi bồi và dòng sông đã gắn bó máu thịt với gia đình chúng tôi”.

Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
Khắc họa Hà Nội mộng mơ qua bộ tem bưu chính rực rỡ sắc hoa
(Ngày Nay) -  Hà Nội có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông rõ rệt. Cùng với sự thay đổi của thời tiết, mỗi mùa, Hà Nội lại có vẻ đẹp rất riêng khi khoác lên mình chiếc áo mới, được tô điểm bởi sắc màu của một loài hoa chủ đạo. Yêu tha thiết Hà Nội, mê mẩn với những loài hoa, họa sỹ Nguyễn Quang Vinh đã dành nhiều tâm sức để đưa 12 loài hoa đặc trưng cho 12 tháng trong năm vào bộ tem bưu chính “Hà Nội 12 mùa hoa”.
Hồ ấp trứng rùa tại Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh-Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Huỳnh Sơn-TTXVN
Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
(Ngày Nay) -  Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Ảnh minh họa
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
(Ngày Nay) -  Sáng 28/4, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện thông tin về một chiếc xe 16 chỗ bị đột ngột hỏng trên cao tốc Pháp Vân (cách Hà Nội khoảng 90 km về phía tỉnh Nghệ An). Chủ Facebook Nghĩa Đào viết: “Nghỉ lễ thuê xe về quê. Số nhọ hỏng xe cách Hà Nội 90km. Cả nhà đứng đường suốt 3 tiếng từ 6h30 đến 9h30. Gọi điện cho công ty thuê xe báo điều xe khác từ Hà Nội lên. Càng chờ càng mất hút...".
Ảnh minh họa
Xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế
(Ngày Nay) -  Ngày 27/4, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 189/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 về Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Tuyến phố đi bộ Bãi Cháy thu hút đông đảo người dân và du khách trong ngày đầu khai trương. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Quảng Ninh đưa thêm một tuyến phố đi bộ vào hoạt động
(Ngày Nay) -  Tối 27/4, tại khu phố cổ công viên Đại Dương, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) tuyến phố đi bộ kết hợp ẩm thực Bãi Cháy chính thức được khai trương. Tuyến phố này hoạt động từ 19 giờ đến 24 giờ hàng ngày.