Theo các nhà chức trách Đan Mạch, tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với nhận thức và biện pháp đối phó của con người. Nồng độ CO2 trong khí quyển đang ở mức cao nhất trong 3 triệu năm qua và vẫn đang tăng dần.
Sự nóng lên toàn cầu không kiểm soát nổi chính là tác nhân gây ra hiện tượng thiên nhiên cực đoan, đó cũng là sự cảnh báo của thiên nhiên đối với con người. Các tổ chức khí tượng và môi trường của Liên Hợp Quốc còn dự báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng thêm từ 3 tới 5 độ C trong thế kỷ XXI, vượt xa so với mục tiêu hạn chế mức tăng (1,5 - 2 độ C) theo Thỏa thuận Paris 2015.
Theo tính toán, đến năm 2030, lượng khí thải làm trái đất ấm lên cũng có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết. Tức là thế giới cần phải có nỗ lực cao hơn gần gấp 5 lần từ nay tới năm 2030 để đạt mục tiêu mà Thỏa thuận Paris đề ra.
Mục tiêu năm 2050 là một phần trong kế hoạch của Ursula van der Leyen, Chủ tịch mới của Ủy ban châu Âu, đưa châu Âu trở thành lục địa trung lập khí hậu đầu tiên vào năm 2050. Phái đoàn Đan Mạch cho rằng để đạt được điều này, ngành giao thông cần phải giảm lượng khí thải, đó là lĩnh vực duy nhất hiện đang tăng phát thải.
Đan Mạch cùng với sự ủng hộ của 10 quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu đã kêu gọi lệnh cấm trên toàn EU đối với xe diesel và xăng từ năm 2040 để chống biến đổi khí hậu.
EU đặt mục tiêu cắt giảm 40% lượng khí thải carbon trong khối vào năm 2030 trong khi Ủy ban điều hành có kế hoạch giảm chúng xuống 0% vào năm 2050 để giúp ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
“Cần phải thừa nhận rằng ô nhiễm môi trường đang trong tình trạng cấp bách”, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch Dan Jorgensen phát biểu trên Reuters sau cuộc họp. Ông nói rằng lệnh cấm xe sử dụng diesel và xăng hy vọng sẽ gây áp lực lên Ủy ban để đề xuất loại bỏ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch trong khối trong hai thập kỷ tới.
Đan Mạch đã nêu vấn đề này vào tháng 10/2018 khi Chính phủ của họ tuyên bố sẽ cấm bán tất cả các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 nhưng sau đó đã loại bỏ ý tưởng này vì điều này vi phạm các quy tắc của EU. Jorgensen khẳng định, nếu EU không thể đồng ý về lệnh cấm toàn liên minh thì có thể tạo điều kiện để các quốc gia riêng lẻ được phép thực hiện một biện pháp tương tự” - “Kế hoạch A là sẽ biến nó thành một lệnh cấm của châu Âu” - ông nói.
Bước tiếp theo của Đan Mạch là thiết lập một liên minh với 10 quốc gia thành viên ủng hộ đề xuất của họ. “Nếu điều đó được thực hiện, tôi nghĩ rằng những quốc gia khác sẽ làm theo. Cứu môi trường là điều cấp bách” - Jorgensen nói.