Bài học về tư nhân hóa
Trong buổi làm việc tại Bộ GTVT cuối năm 2017, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa ra ví von: “Sân bay Vân Đồn không thể so sánh với Nội Bài hay Tân Sơn Nhất về quy mô song đẳng cấp thì như nhau. Thời gian làm sân bay Vân Đồn rất nhanh. Trong khi đó, việc cấp bách “gấp vạn lần” là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, thì chỉ riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn. Đó chính là “nút thắt”, là bài học về tư nhân hóa”.
Chỉ nửa năm sau buổi họp kể trên, ngày 11/7 vừa qua, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đón thành công chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên, đánh dấu mốc quan trọng để chuẩn bị chuyển sang giai đoạn khai thác thương mại dự kiến vào tháng 12/2018. Đây cũng là Cảng hàng không quốc tế đầu tiên của Việt Nam do tư nhân đầu tư với tổng số vốn lên tới 7.700 tỷ đồng theo hình thức BOT, được phê duyệt là Cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và là sân bay quân sự cấp II.
Chủ đầu tư sân bay này chỉ mất 27 tháng để hoàn tất những hạng mục cơ bản nhất như đường băng, sân đỗ, các công trình đảm bảo hoạt động bay như nhà ga, tháp không lưu, hệ thống trang thiết bị cơ bản hoàn thiện…
Trong khi đó, điều kiện thi công Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khó khăn hơn nhiều so với các sân bay khác. Theo ông Arjan Kuin- cố vấn cấp cao của NACO- công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay Hà Lan, vị trí cảng hàng không Vân Đồn ở rất xa các thành phố lớn, nguyên vật liệu phải chuyển từ nhiều tỉnh thành khác, thậm chí là từ nước ngoài về nên khó khăn, tốn kém bội phần. Chưa kể, sân bay được xây dựng tại một khu vực trước đó là vùng đất trũng…
Về vai trò của tư nhân trong xây dựng hạ tầng, góp phần thúc đẩy kinh tế, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân là cần thiết, cũng là giải pháp tối ưu giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ”.
“Mở toang cửa” đón sóng đầu tư
Dự kiến, khi đi vào hoạt động chính thức, sân bay Vân Đồn có thể đón tới 7.000 lượt khách mỗi ngày. Trong giai đoạn I đến năm 2020, nhà ga sân bay sẽ đáp ứng công suất phục vụ 2,5 triệu khách/ năm, giờ cao điểm đạt 1250 hành khách và đến năm 2030 sẽ nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm.
Được xây dựng trên tổng diện tích 325ha tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong những công trình trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển chiến lược kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Nói như ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Đây là sân bay quốc tế hiện đại khi tất cả các máy bay hành khách và vận tải hàng hóa đều có thể cất - hạ cánh, mở ra hướng đầu tư phát triển mới cho các dự án lớn trong chiến lược phát triển của kinh tế Vân Đồn, phù hợp với định hướng phát triển các khu phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp cũng như các dạng logictic, các khu công nghệ cao”.
Cũng theo ông Long, sự thành công của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn tạo niềm tin lớn về sự thông thoáng, ổn định trong cơ chế, chính sách của địa phương. Thời gian tới, cùng với hệ thống cao tốc Hải Phòng - Hạ Long- Vân Đồn đang dần hoàn thiện… Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ kết nối Vân Đồn- Quảng Ninh tới các tỉnh thành trong cả nước và các trung tâm kinh tế- du lịch trong khu vực. Mọi con đường dẫn đến Vân Đồn sẽ thuận lợi hơn, thời gian di chuyển được rút ngắn.
Sức hút này thể hiện ở những con số cụ thể. Tính từ thời điểm thi công Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (3/2016) đến cuối 2017, huyện Vân Đồn đã thu hút hơn 10.000 tỷ đồng từ các dự án đầu tư mới như các khu dịch vụ phức hợp, các khu nghỉ dưỡng… và trên 40.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Hiện, làn sóng đầu tư vào Vân Đồn vẫn còn đang tiếp tục với các nhà đầu tư lớn như CEO Group, HD Mon Holdings…
Ngoài ra, theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, ngoài 4 dự án lớn có vốn đầu tư FDI từ Anh, Nga, Nhật, Thái Lan, thì từ đầu năm đến nay đã có tới 16 đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến Vân Đồn để nghiên cứu và đưa ra những đề xuất, phương án đầu tư như Công ty Mirea Asset (Hàn Quốc) Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) Tập đoàn Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương Singapore; Tập đoàn Senator (Áo)….
Không có gì quá khi nói rằng mọi ánh nhìn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều đang dõi theo Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – công trình do tư nhân đầu tư xây dựng có vai trò huyết mạch đối với sự phát triển kinh tế Quảng Ninh. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc công trình này cán đích đúng tiến độ sẽ tạo động lực thúc đẩy làn sóng tư nhân đầu tư mạnh mẽ vào Vân Đồn thời gian tới.