Ngành công nghiệp dầu khí tự nhiên đang phát triển nhanh của Mỹ đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những diễn biến căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa các cường quốc, tạo ra sự không chắc chắn, đi cùng với những khoản chi phí đắt đỏ cho các doanh nghiệp.
Các chuyên gia và quan chức tham gia hội nghị ngành về năng lượng CERAWeek do hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit tổ chức từ ngày 11-15/3 cho biết nhiều công ty dầu khí Mỹ đã phải đối mặt với chi phí tăng cao và nhiều khó khăn khác khi số đơn đặt mua các mặt hàng dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Trung Quốc gần như "đóng băng",
Susan Schwab, Giáo sư của Đại học Maryland và cựu Đại diện thương mại Mỹ, cho biết tác động của các rào cản thương mại đối với hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp dầu khí là rất thực tế và có thể được trải nghiệm trong những diễn biến kinh tế hàng ngày.
"Chúng tôi chưa ghi nhận bất kỳ người mua Trung Quốc nào liên hệ với các nhà phát triển dự án LNG của Mỹ kể từ khi căng thẳng tăng vọt", nhà phân tích cao cấp về LNG toàn cầu thuộc IHS Markit, Matthew Shruhan, cho biết.
Mặc dù vậy, nhà phân tích Shruhan nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã tác động đến dòng chảy thương mại của LNG, song thường thì các dự án LNG dài hạn kéo dài trong 20 hoặc 30 năm nên những tác động thực sự của việc này sẽ là một vấn đề dài hạn.
Theo nhận định của Giáo sư Schwab, "khi bạn thực hiện một hành động thương mại, có lẽ bạn sẽ tạo ra đòn bẩy cho chính mình, nhưng điều này có thể cũng tác động đến lợi ích kinh tế của chính nền kinh tế bạn".
Dự án xuất khẩu Alaska LNG được đề xuất là một trong những dự án LNG của Mỹ chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại song phương, một chuyên gia giấu tên trong ngành cho biết.
Cũng theo Giáo sư Schwab, dưới góc độ kinh tế học, rào cản thương mại là xấu khi mà các định nghĩa đều cho rằng khái niệm này sẽ làm tổn thương tất cả mọi người và chỉ có lợi cho một số ít. Bên cạnh đó, các chính sách thương mại thường không có vai trò lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trải qua thâm hụt thương mại".
Hou Qijun, Phó Chủ tịch Tập đoàn Dẩu mỏ Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cho biết ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ đã trải qua những thay đổi mang tính cách mạng trong thập kỷ qua.
Trong khi đó, Trung Quốc lại trở thành quốc gia tiêu thụ dầu nhập khẩu lớn nhất thế giới năm 2017 và một trong những nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất trong năm 2018.
Do đó, một cách tự nhiên nhất, giữa một quốc gia sản xuất năng lượng lớn và một quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn cần một sự hợp tác.
Cũng theo chuyên gia này, việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu năng lượng của Mỹ sẽ giúp cải thiện cấu trúc thương mại của cả hai nước, giảm thâm hụt thương mại và đa dạng hóa nguồn nhập khẩu năng lượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Mặc dù có thể đối mặt với một số thách thức ban đầu, song chuyên gia Hou hy vọng rằng sớm muộn gì các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ và các nhà nhập khẩu LNG Trung Quốc sẽ gặp nhau. Điều này có lợi cho cả hai nước và cho thị trường năng lượng toàn cầu.