Hiện đang vào mùa cao điểm bệnh sốt xuất huyết (SXH) số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng, đáng chú ý là có nhiều ca biến chứng nặng nề, đe dọa tử vong.
Tại Khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị mới đây tiếp nhận 3 bệnh nhân bị biến chứng nặng do SXH. Theo BSCK II. Nguyễn Đặng Khiêm – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị, trong số 3 bệnh nhân biến chứng nặng thì có 2 ca biến chứng xuất huyết tràn dịch đa màng, đe dọa sốc nguy kịch. May mắn bệnh nhân đã được điều trị tích cực kịp thời nên đã qua khỏi, sức khỏe dần ổn định và được xuất viện.
Các trường hợp SXH khác vào viện đa số trong tình trạng tiểu cầu rất thấp cũng đều được các bác sĩ điều trị kịp thời. Đối với bệnh nhân xuất huyết nặng, biến chứng tiểu cầu giảm là tình trạng rất nguy hiểm. Nếu đã bị giảm tiểu cầu, bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.
BS. Khiêm cho biết, năm nay số lượng bệnh nhân SXH nhập viện không quá ồ ạt như mọi năm, một phần do hiểu biết về bệnh SXH của người dân đã tốt hơn trước rất nhiều, họ bớt chủ quan hơn. Do đang trong mùa dịch SXH nên khi thấy có dấu hiệu sốt, người dân đã nghĩ đến bệnh SXH và vào viện kiểm tra, điều trị kịp thời, tránh bệnh nặng lên.
“Điều đáng lưu ý là đa số bệnh nhân cao tuổi điều trị SXH tại BV Hữu Nghị có nhiều bệnh mạn tính phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… Có những trường hợp bệnh nhân suy tim, bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông bị mắc SXH thì dễ xảy ra biến chứng nặng nề. Chính vì vậy, việc điều trị cho những đối tượng này hết sức phức tạp và cân nhắc kỹ lưỡng"- chuyên gia cấp cứu cho hay.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho khá nhiều bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. TS.BS Nguyễn Kim Thư – Trưởng khoa Virút – Ký sinh trùng của BV cho biết, từ đầu mùa dịch (khoảng tháng 7, tháng 8) đến nay số lượng bệnh nhân SXH nhập viện gia tăng nhanh, có nhiều ca biến chứng nặng.
Với các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, các bác sĩ luôn phải theo dõi sát sao bệnh nhân hàng ngày, tiến hành xét nghiệm công thức máu cũng như theo dõi tình trạng bệnh nhân để xử lý kịp thời nếu người bệnh có diễn biến nặng lên.
Lo ngại khi bước vào “đỉnh dịch"
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 9, toàn thành phố ghi nhận 5.305 trường hợp mắc SXH, chưa ghi nhận tử vong. Bệnh nhân có ở 465/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 79%). Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.
Bệnh nhân có xu hướng gia tăng từ tuần 25 đến nay, trong đó những tuần của tháng 9, mỗi tuần đều ghi nhận trên 400 trường hợp mắc mới. Một số xã, phường ghi nhận nhều bệnh nhân hoặc ổ dịch phức tạp kéo dài, quy mô xã, phường là Tiền Phong (Thường Tín), Mễ Trì, Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm), Phương Trung (Thanh Oai), Tân Triều, Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Ô Chợ Dừa (Đống Đa), Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), Đại Kim (Hoàng Mai), Sơn Đồng, Kim Chung (Hoài Đức), thị trấn Phùng (Đan Phượng).
Nhiều dụng cụ phế liệu, phế thải đọng nước là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản. |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thất thường, số mắc có thể tăng cao do đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng 10 và 11. Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt; nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển.
Bên cạnh đó, hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy chưa hiệu quả, qua giám sát công tác phòng chống SXH tại một số xã, phường có tình hình dịch phức tạp đều ghi nhận chỉ số côn trùng cao. Nguyên nhân chính do các xã, phường chưa thành lập đội xung kích hoặc đội xung kích đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, thiếu kinh phí hoạt động cho đội xung kích. Việc phun hóa chất tại các ổ dịch còn chưa triệt để, hiệu quả chưa cao, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất triệt để thấp do hộ gia đình đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế.
Thêm vào đó, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng còn thờ ơ, chưa tự thực hiện diệt bọ gậy trong chính hộ gia đình của mình mà còn trông chờ vào nhân viên y tế.
Bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực, cán bộ y tế đáp ứng tối đa cho công tác phòng chống dịch SXH, đặc biệt là tại các ổ dịch có diễn biến kéo dài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu các TTYT quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất; đảm bảo hóa chất, máy móc để đáp ứng chống dịch…