Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn, qua lễ hội, địa phương muốn chuyển tải các thông điệp của vùng đất và con người Hạ Long tới du khách bốn phương, đồng thời quảng bá những khoảnh khắc đẹp của một Hạ Long đang hướng tới những sản phẩm du lịch bốn mùa.
Lễ hội Carnaval mùa Đông sẽ là một bữa tiệc âm nhạc, ánh sáng và trải nghiệm. Với chủ đề “Sắc màu kỳ quan”, sự kiện được tổ chức công phu, hoành tráng; lần đầu tiên sử dụng sân khấu di động được thiết kế hiện đại, trang bị hệ thống ánh sáng chuyên nghiệp, kết hợp với các giải pháp âm thanh kết nối không dây bằng công nghệ 4.0.
Để thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm, đưa Hạ Long trở thành “Kỳ quan bốn mùa", điểm đến đa dịch vụ, trải nghiệm và đẳng cấp, chính quyền thành phố đã tăng cường quảng bá xúc tiến, tiếp thị du lịch thông qua tiếp cận các thị trường mới, thị trường khách có khả năng chi trả cao. Đối với thị trường truyền thống, địa phương tiếp tục nghiên cứu cách thức hợp tác, quảng bá, khai thác để đảm bảo luôn có sự thay đổi, làm mới cả về nội dung và hình thức. Thành phố huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tận dụng cơ hội mùa thấp điểm như một thời điểm lý tưởng để cung cấp các trải nghiệm đa dạng khác tới khách hàng, cung cấp các dịch vụ tour, khách sạn với giá hợp lý.
Bên cạnh đó, thành phố tích cực chuẩn bị chuỗi sự kiện dịp lễ hội cuối năm và Tết Nguyên đán 2023. Trong đó, một số sự kiện đã được khởi động từ ngày 18/12 như: Hội chợ ẩm thực "Sắc màu kỳ quan"; trình diễn âm nhạc điện tử tại đảo Kim Cương - Diamond Island EDM Party; cuộc thi Carnaval Dance Contest; trình diễn máy bay và thủy phi cơ; trình diễn ban nhạc đường phố; xiếc nghệ thuật đường phố; biểu diễn nghệ thuật định kỳ hàng tuần tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; các hội chợ thương mại, giới thiệu các sản phẩm…
Ngoài ra, Hạ Long khai thác hiệu quả hạ tầng du lịch sẵn có, các loại hình du lịch có thế mạnh như: Du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc trong mùa du lịch thấp điểm; lễ hội Carnaval mùa Đông, kinh tế ban đêm tại Tuần Châu, Bãi Cháy...
Trước đó, để thu hút khách du lịch mùa thấp điểm (quý IV), tạo nền tảng phát triển du lịch bốn mùa, Quảng Ninh đã tổ chức thành công các sự kiện quốc tế là Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOP) lần thứ 17 (từ ngày 25 - 27/10) và Đại hội Thể thao toàn quốc diễn (từ ngày 9 - 21/12). Nhờ đó lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh giàu đẹp - văn minh - hiện đại, “điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Đây là cơ hội để du lịch Quảng Ninh duy trì được lượng khách cao ngay trong thời gian ít khách nhất trong năm; đồng thời quảng bá du lịch địa phương, thúc đẩy tăng trưởng. Tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện một số sản phẩm, công trình du lịch mới đưa vào khai thác phục vụ du khách như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh (Cẩm Phả), Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử (Uông Bí), Sân golf 18 lỗ Tuần Châu (Hạ Long), Phố đêm du thuyền (Hạ Long), Cảng tàu khách Ao Tiên (Vân Đồn) và Tuyến phố đêm thợ mở (Cẩm Phả)...
Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, năm 2022, Quảng Ninh là địa phương đi đầu mở cửa du lịch mạnh mẽ, đúng thời điểm, tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất để mở cửa du lịch. Tỉnh chỉ đạo xây dựng Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến địa phương gắn với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Quảng Ninh thu hút được khoảng 11,6 triệu lượt khách, cao gấp 2,6 lần so với năm 2021 (tăng 21,7% kế hoạch đầu năm). Tổng doanh thu du lịch đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần so với năm 2021 (tăng 32,5% kế hoạch đầu năm).