Cậu bé chết não tỉnh dậy chỉ gọi bà

Bé Mai Hưng Thuận, 12 tuổi, ngoan ngoãn ngồi ăn từng miếng cơm bà nội đút trong phòng bệnh, nơi bé điều trị sau chết não suốt 4 năm nay.
Cậu bé luôn ngoan ngoãn, ngồi ăn cơm bà nội đút. Ảnh: Thúy Quỳnh
Cậu bé luôn ngoan ngoãn, ngồi ăn cơm bà nội đút. Ảnh: Thúy Quỳnh

"Bà! Bà!".

Thuận cất tiếng gọi bà. Đây là từ đầu tiên em nói được kể từ khi nhập viện tại Khoa Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Hôm nay suất cơm của hai bà cháu có dưa muối và thịt.

"Cháu ăn giỏi lắm, bữa nào cũng hết nguyên một suất cơm, món gì cũng ăn được. Thế nhưng nếu tôi không cho ăn thì thằng bé cũng nhịn luôn, chứ không biết đòi", bà nói. Đó là bà nội của em - bà Đào Thị Vinh, 56 tuổi. Bố mẹ Thuận chia tay nhau, em ở cùng ông bà nội từ nhỏ. Thỉnh thoảng trong bữa ăn có người lạ từ phòng khác ghé sang thăm, Thuận lại mỉm cười, xấu hổ quay đi một chỗ.

Nhìn khuôn mặt khôi ngô tuấn tú cùng phản xạ ngượng ngùng của Thuận như vậy, ít ai nghĩ rằng em là một cậu bé chết não, chẳng nhận thức được gì. Trái tim em vẫn đập, cơ thể em vẫn hồng hào, khỏe mạnh, song em không thể nói, cũng không thể tự mình làm bất cứ việc gì, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân.

Cậu bé Mai Hưng Thuận là bệnh nhi lớn tuổi nhất tại Khoa Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, điều trị hơn 4 năm qua. Bà nội kể, tháng 6/2015, khi Thuận 8 tuổi, em ra sông chơi một mình không may ngã xuống sông, đuối nước. Khi được phát hiện, cháu đã trong tình trạng cứng đờ tay chân, mắt trợn.

Thuận được hô hấp nhân tạo, sau đó người thân lập tức chuyển cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, sơ cứu rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán Thuận gặp tình trạng mất oxy lên não kéo dài, dẫn tới chết mô não. Em được thở oxy, đặt ống thông qua miệng xuống dạ dày để truyền sữa và thức ăn.

Một tháng sau, bác sĩ báo Thuận thành người thực vật, không thể cứu chữa, gia đình nên cho về nhà chăm sóc được ngày nào hay ngày đó. "Cả tôi và ông nhà đều thương quá nên quyết định còn nước còn tát, đưa cháu đi chữa trị, chứ bây giờ để cháu nằm nhà tội nghiệp", bà chia sẻ.

Thuận được chuyển đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Suốt hai tháng, mắt em không nhìn được gì. Bác sĩ Dương Văn Tâm, Trưởng Khoa Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, khuyên gia đình đưa bé sang Bệnh viện mắt Trung ương khám đồng tử. Gia đình cũng xác định nếu lần này khám mắt cháu không còn nhìn thấy gì nữa thì đành cho về nhà.

May mắn, các bác sĩ bệnh viện Mắt kết luận đồng tử tốt, do bé gặp vấn đề ở não nên không thể nhìn thấy. Em tiếp tục về viện Châm cứu Trung ương điều trị.

Buổi sáng, bác sĩ Tâm dùng ba kỹ thuật điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt tác động lên các huyệt đạo, mất chừng 30 phút. Buổi chiều, Thuận được bác sĩ xoa bóp tay chân, kết hợp với uống thuốc bổ não, thuốc tiêm... Vài ngày đầu tiên khi châm cứu, cậu bé giãy giụa, kim tuột ra, bác sĩ phải trói hai chân hai tay vào thành giường.

Điều trị được vài đợt, nước mắt em bắt đầu chảy ra. Người bà nghẹn ngào vì xúc động, cầm bông hoa giơ trước mặt cháu. Thấy bông hoa, Thuận nhìn theo, mỉm cười. Em đã nhìn thấy được rồi.

Một năm sau, Thuận vận động, đi lại được song ăn uống và vệ sinh cá nhân không biết. Đôi chân trước đây teo lại, nhỏ hơn cả đôi tay thì sau một năm, đã phổng phao hơn nhiều. Âm thanh đầu tiên em cất lên là tiếng "Bà". Đó cũng là từ duy nhất em nói được, đến nay.

Bác sĩ Dương Văn Tâm cho biết, với một người đã chết não, Tây y không điều trị. Bệnh nhân sẽ sống thực vật suốt đời, hoặc một số trường hợp người chết não hiến tặng nội tạng. Song, Đông y lại có thể điều trị để cải thiện các chức năng cơ thể của bệnh nhân bằng các phương pháp tác động lên huyệt vị, kinh lạc như: điện châm, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt. Liệu trình điều trị diễn ra hàng ngày trong vòng một tháng, nghỉ 15 ngày và tiếp tục các đợt điều trị tiếp theo, kiên trì hàng năm.

Thuận cũng không ngoại lệ. Một năm Thuận điều trị vài đợt, mỗi đợt kéo dài một tháng rồi lại về nhà. Lần nào cũng chỉ có bà em đi cùng chăm sóc. Ông nội ở nhà làm công nhân, lấy tiền nuôi cháu. Cứ hết một đợt điều trị, Thuận được bà đưa về quê chăm sóc. Trẻ con hàng xóm sang chơi, em vẫn chỉ ngồi trong góc nhà, mỉm cười.

Đêm đến, bà nội ngủ cùng em, sợ cháu nằm một mình sẽ ngã. Thỉnh thoảng Thuận lên cơn động kinh trong đêm, bà Vinh lại phải thức trắng để trông. Chữa trị kéo dài, dai dẳng nhưng bà cháu đều kiên trì, lạc quan: "Ông bà sau này sẽ già yếu, qua đời cũng không sao, chỉ mong cháu tự có thể tự vệ sinh cá nhân là được, bà chỉ có ao ước đó thôi".

Đáng ngạc nhiên, sau 4 năm sau, Thuận đã có những nhận thức đầu tiên về người bà nội. Ngoài tiếng "Bà" em nói, Thuận bắt đầu đòi được đeo chiếc vòng bạc trên cổ bà, ôm bà, hôn bà. Tất cả bệnh nhân cùng phòng em và các y bác sĩ đều mừng rỡ. Bác sĩ Tâm nhận định sự tiến triển này của bệnh nhân Mai Hưng Thuận là tín hiệu tốt trong việc điều trị bệnh nhân chết não.

Sáng 5/11, như thường lệ, bà Vinh tỉnh giấc, gọi Thuận dậy, rửa mặt và vệ sinh cá nhân cho em. Cậu bé với khuôn mặt khôi ngô, nở nụ cười tươi khi thấy bà.

"Hôn bà cái nào", bà nhẹ nhàng nói.

Thuận sà ngay vào lòng bà. Em thấy được những giọt nước mắt chảy xuống từ đôi mắt, nhưng không thể biết được đằng sau đó, bà chất chứa cả một tình thương với đứa cháu nhỏ nhiều biết nhường nào. Thuận lại mỉm cười, cất lên tiếng "Bà" trong trẻo.

Ôm Thuận vào lòng, bà Vinh xoa lên mái đầu Thuận hồi lâu, rồi đặt em nằm xuống. Bà tiếp tục bóp tay chân cho em trước khi bác sĩ đến châm cứu. Bà chia sẻ: "Tôi không biết cháu tôi sẽ còn phải tiếp tục điều trị đến bao giờ, nhưng một khi tôi còn sức khỏe, tôi sẽ luôn ở bên cạnh cháu, điều trị cho cháu đến cùng".

Theo Vnexpress
TIN LIÊN QUAN
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.