Mặc bộ vest màu xanh nước biển và áo sơ mi hở cổ, ông Hứa trông rất thoải mái khi đứng trên bục nhìn ra buổi lễ ở Quảng trường Thiên An Môn, việc ông Hứa có mặt tại Bắc Kinh hôm đó được nhiều người coi là sự ủng hộ của chính quyền đối với vị doanh nhân này.
Một tháng trước đó, chủ tịch tập đoàn Evergrande đã tổ chức một cuộc họp hiếm hoi với hơn 1.000 nhà thầu cung cấp và một lần nữa được giới kinh doanh ủng hộ khi ông nói về các mục tiêu xóa nợ của công ty.
Nhưng giờ đây, chiến lược kinh doanh của ông Hứa đang được sáng tỏ.
Evergrande đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán lãi suất trái phiếu trong tuần này, qua đó tiến gần đến khả năng vỡ nợ.
Việc chính quyền Bắc Kinh thắt chặt các quy định về nợ và đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản đã đẩy Evergrande vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản và với khoản nợ phải trả lên đến 1,97 nghìn tỷ nhân dân tệ (302 tỷ USD) - tương đương quy mô GDP của Phần Lan.
Trong một bức thư nội bộ hồi tháng 9, ông Hứa đánh giá cao đối với sự chăm chỉ của nhân viên và cho biết Evergrande sẽ cung cấp các dự án bất động sản như đã cam kết, đồng thời hoàn thành trách nhiệm với người mua bất động sản, nhà đầu tư, đối tác và các tổ chức tài chính.
Kể từ sự kiện ngày 1/7, ông Hứa đã không xuất hiện trước công chúng, mặc dù những bức ảnh gần đây trên trang web của công ty cho thấy sự hiện diện của ông trong các cuộc họp nội bộ, cam kết sẽ giao nhà cho người mua và trả nợ những nhà đầu tư.
Ở tuổi 62, ông Hứa từng được bà ngoại nuôi dưỡng tại một ngôi làng nông thôn tỉnh Hà Nam, sau khi làm trong ngành thép, ông thành lập công ty Evergrande vào năm 1996 ở thành phố Quảng Châu và gây dựng cơ nghiệp nhờ những ngôi nhà giá rẻ.
Dưới thời ông Hứa, đế chế Evergrande đã mở rộng mạnh mẽ bằng cách tăng các khoản vay để hỗ trợ các hoạt động mua đất và bán nhà với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn để có doanh thu nhanh chóng. Evergrande đã tăng doanh thu hàng năm lên 700 tỷ nhân dân tệ (108 tỷ USD) vào năm 2020.
Năm 2017, ông Hứa trở thành người giàu nhất châu Á với tài sản ròng 45,3 tỷ USD, theo tạp chí Forbes. Hiện nay, giá trị tài sản ròng của vị tỷ phú này ước đạt 13,4 tỷ USD.
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Hứa là một người nghiện công việc, đôi khi yêu cầu nhân viên phải tuân theo phong cách làm việc của mình.
Ông cũng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng. Khi bị các nhà đầu tư và phóng viên đặt câu hỏi về đường lối kinh doanh của mình, ông nói rằng doanh thu và giá trị tài sản cao của Evergrande đủ để trang trải các khoản nợ.
Câu lạc bộ Poker
Ngoài bất động sản, ông Hứa rất hứng thú lấn sân sang các dự án kinh doanh mới, đặc biệt là ủng hộ các mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc. Ông sẵn sàng đổ tiền vào đầu tư hai lĩnh vực ô tô điện và đá bóng, cả hai đều là niềm đam mê của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên ngoài Trung Quốc đại lục, ông cũng hợp tác với các tài phiệt nhà đất Hong Kong, bao gồm người sáng lập của công ty bất động sản New World Development Cheng Yu Tung và cựu chủ tịch của China Estates Holdings Joseph Lau.
Chủ tịch Evergrande cũng trở thành một thành viên cốt lõi của "câu lạc bộ poker", nơi kết nối các ông trùm có sở thích chơi poker và móc nối các thương vụ làm ăn.
"Ông Hứa rất điềm đạm khi lần đầu tiên được đưa đến câu lạc bộ. Ông ấy cố tình thua rất nhiều tiền trong các ván đấu và nhận có được sự yêu mến của các doanh nhân Hong Kong", một nguồn tin cho biết.
Khi còn sống, ông Cheng Yu Tung đã đầu tư 150 triệu USD vào Evergrande một năm trước khi công ty này tiến hành IPO vào năm 2009 tại Hong Kong, giúp công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng tài chính sau khi mở rộng mạnh mẽ.
Trong khi đó, Chinese Estates đã tiết lộ các khoản đầu tư trong nhiều năm lên tới hàng tỷ USD vào cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande.
Các hoạt động kinh doanh có đòn bẩy tài chính mạnh của ông Hứa đang khiến các chuyên gia và giới bất động sản lo ngại, và cảnh báo công ty nên tập trung hoàn thiện các dự án thay vì đẩy mạnh đầu tư.
"Ông ấy đã làm mọi thứ đúng đắn về mặt chính trị nhưng lại gánh quá nhiều nợ, trong một ngành công nghiệp mà chính phủ đã cảnh báo về việc vay nợ quá mức và đầu cơ quá mức”, một nhà phân tích chỉ ra.
Phát biểu tại lễ trao giải China Charity Awards 2018 với tư cách là người chiến thắng năm thứ tám liên tiếp, ông Hứa cho biết Evergrande đã nộp thuế tổng cộng 185 tỷ nhân dân tệ trong 22 năm qua và quyên góp hơn 10 tỷ nhân dân tệ.
"Nếu không có chính sách cải cách giáo dục đại học của đất nước, tôi đã không thể rời làng. Nếu không có đất nước cho tôi học bổng 14 nhân dân tệ mỗi tháng, tôi đã không thể họ xong đại học", vị tỷ phú chia sẻ. "Nếu không có chính sách cải cách và mở cửa của đất nước, Evergrande sẽ không có được như ngày hôm nay. Vì vậy, tất cả những gì Evergrande và tôi có, tất cả đều do Đảng, đất nước và xã hội trao tặng."