Chăn nuôi bạch tuộc có thể đe dọa tới hệ sinh thái

(Ngày Nay) - Theo một nghiên cứu mới, hoạt động chăn nuôi bạch tuộc là "phi đạo đức và là mối đe dọa đối với chuỗi thức ăn", một số người cho rằng việc này không hợp lý về mặt sinh thái khi sinh vật thông minh này được nhân giống hàng loạt.
Chăn nuôi bạch tuộc có thể đe dọa tới hệ sinh thái

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã lên kế hoạch thiết lập các cơ sở nuôi bạch tuộc ở các vùng nước ven biển trên toàn cầu, theo The Guardian.

Tuy nhiên hoạt động này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều nhà khoa học khác, họ kêu gọi các quốc gia, doanh nghiệp tư nhân và học viện ngừng tài trợ và cắt giảm thuế cho hoạt động chăn nuôi bạch tuộc, trích dẫn bằng chứng mới cho thấy các sinh vật này không chỉ rất thông minh mà còn là một phần không thể thiếu của hệ sinh thái ven biển.

Chăn nuôi bạch tuộc không chỉ yêu cầu môi trường hạn chế, mà còn cần một lượng lớn động vật có vỏ và cá nhằm nuôi sống bạch tuộc, điều này càng gia tăng áp lực lên việc bảo tồn động vật biển - vốn đang trong tình trạng suy giảm số lượng.

Giáo sư Jennifer Jacquet thuộc Đại học New York, nhóm các nhà khoa học phản đối hoạt động chăn nuôi kết luận rằng hoạt động này có thể gây stress lên những con bạch tuộc bị nuôi nhốt, có nguy cơ dẫn đến tử vong hàng loạt.

"Trong thế kỷ 21, chẳng có lý do gì một động vật phức tạp, thông minh như bạch tuộc sẽ trở thành nguồn thực phẩm được sản xuất hàng loạt. Chúng ăn cá và động vật có vỏ, việc cung cấp đủ số lượng thức ăn để nuôi số lượng lớn bạch tuộc gây thêm áp lực lên chuỗi thức ăn. Điều này không hề bền vững. Nuôi cá bạch tuộc là bất công về mặt đạo đức và sinh thái", bà Jacquet cho biết.

Bạch tuộc từ lâu đã được chứng minh là một loài động vật thông minh và có khả năng sử dụng các công cụ như vỏ dừa để bảo vệ con non của mình.

"Một khi bạch tuộc giải quyết được một vấn đề, chúng sẽ ghi nhớ điều này", các nhà nghiên cứu cho biết trong nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Science and Technology.

Bạch tuộc từ lâu đã là thức ăn truyền thống tại một số quốc gia như Australia, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Mexico và Chile, ước tính có khoảng 350.000 tấn bạch tuộc được tiêu thụ hàng năm.

Thế nhưng nghề khai thác bạch tuộc trên khắp thế giới đang trong tình trạng suy giảm sản lượng, một số chính phủ và doanh nghiệp đang áp dụng các công nghệ mới hoặc giảm thuế để tạo ra các cơ sở chăn nuôi bạch tuộc.

Tuy nhiên, những nỗ lực sử dụng trứng được thụ tinh lấy từ con cái trong tự nhiên đã cho kết quả kém, vì ấu trùng bạch tuộc sẽ chỉ ăn thức ăn sống, điều này càng gây gia tăng chi phí chăn nuôi. Việc kiểm soát nhiệt độ và độ mặn của nước để những con non có thể sống sót cũng là vấn đề lớn.

Một số công ty, bao gồm công ty thủy sản Nissui của Nhật Bản, được cho là đã ấp thành công trứng bạch tuộc tại các cơ sở chăn nuôi trong khi dự kiến sẽ bán thịt bạch tuộc công nghiệp vào năm 2020. Các công ty thủy sản ở Australia và Mexico cũng sẽ phân phối thịt bạch tuộc nuôi cho các cửa hàng trong năm tới, theo The Guardian.

Theo Sputnik
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.