Chàng hải âu kỳ diệu - Khúc ca về hoài bão và tự do dưới ánh mặt trời

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Phần lớn loài hải âu không muốn tìm hiểu gì thêm ngoài việc làm sao để bay từ bờ đi kiếm ăn rồi bay trở về. Đối với hầu hết hải âu, ăn quan trọng hơn là bay. Nhưng riêng với chàng hải âu Jonathan Livingston, niềm say mê bay lại lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời.
Chàng hải âu kỳ diệu - Khúc ca về hoài bão và tự do dưới ánh mặt trời

Richard Bach sinh năm 1936, là cháu trai của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach. Vốn là một tay lái phi cơ chiến đấu và cũng là thợ cơ khí máy bay người Mỹ, nên bầu trời và những chuyến phiêu lưu là niềm cảm hứng vô tận của ông. Với hơn 60 triệu cuốn sách bán ra trên toàn thế giới, ông ghi tên mình cùng Saint-Exupéry như người họa lại thế giới trẻ thơ đặc sắc. “Chàng hải âu kỳ diệu” là một trong những tác phẩm quan trọng và được đánh giá cao nhất của Richard Bach, mang đậm tính ngụ ngôn và chứa đựng nhiều triết lý Đông phương.

Cuốn truyện “Chàng hải âu kỳ diệu” của Richard Bach sẽ kể cho chúng ta về cuộc đời của Jonathan, một chàng hải âu mà niềm say mê bay lớn hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Trong khi phần lớn thành viên trong đàn kiếm ăn bằng việc bay theo những thuyền đánh cá, thì Jonathan chỉ chăm chăm mỗi một việc bay. Chàng tập bay với nhiều tư thế khác nhau, bay với tốc độ cao, bay ở thế nhào lộn,...

Nhưng đàn hải âu lại không thích chàng làm như thế, chúng coi đó là nỗi nhục nhã, bỏ mặc chàng trong sự cô đơn. Ngay cả bố mẹ của Jonathan cũng tỏ ra lo lắng trước việc chú suốt ngày đơn độc một mình, hàng trăm lần tập đi tập lại những đường bay chậm là là mặt nước. Nhưng điều đó không làm chàng nản chí, vì sự thật là những con hải âu khác sẽ không bao giờ biết được vẻ đẹp và cảm giác vĩ đại khi bay. Mặc cho gầy còm “toàn xương với lông”, cậu vẫn luôn vui vì được bay lượn hoàn toàn tự do. Ở cậu, ta có thể thấy một sự vượt thoát để vươn đến sự hoàn hảo, không chấp nhận thể trạng xoàng xĩnh cũng như ngu muội, sống đời tầm thường…

Qua cuộc hành trình của mình, chàng hải âu Jonathan học được một điều: “Thiên Đường không phải là nơi chốn, mà cũng không phải thời gian. Thiên Đường là trạng thái khi ta đạt được toàn thiện”... Nếu ở kiếp sống này ta không học thêm được cái gì cả, thì thế giới của kiếp sống sau sẽ giống hệt như thế giới này... Nhưng nếu ta học cách bay và ta luyện tập đủ tốt, thì ta sẽ ở trên cao hơn những bậc thang không có kết thúc để lên đến Thiên Đường, vì vậy đó chỉ là một bước tiến xa hơn.

Tác giả Richard Bach không hề duy mỹ hay lý tưởng hóa loài sinh vật này. Trong những khó khăn ở bước khởi đầu, bởi vì “bản năng” ưa chuộng những điều dễ dàng nên Jonathan đã không ít lần có ý buông xuôi. Nhưng chính khát khao cũng như niềm tin vào bản thân mình đã cứu vớt cậu, từ đó làm nên một cá thể riêng, có ý chí cũng như trách nhiệm. Thông qua tác phẩm “Chàng hải âu kỳ diệu”, bài học theo đuổi ước mơ, không ngừng học hỏi và chịu trách nhiệm cho các lựa chọn của mình đã được thể hiện một cách sinh động. Vượt lên trên sự bình thường, mỗi loài sinh vật sẽ vươn đến sự hoàn hảo bằng nhân từ và yêu thương. Do đó nhân vật Hải âu Jonathan để lại cho mỗi người đọc bài học tích cực về việc nhìn thấy cái đẹp trong mỗi con người, sự vật, hiện tượng...

Lần đầu tiên tôi đọc "Chàng hải âu kỳ diệu" là năm mươi năm trước, lúc là một chú bé tám tuổi, qua bản dịch của Nguyễn Trọng Kỳ. Chú bé ấy đọc vì những bức ảnh trắng đen lạ lùng của nhà nhiếp ảnh Russell Munson lôi cuốn. Chú bé ấy đọc, thích thú, và... không hiểu gì cả! Vì thế chú bé đọc đi đọc lại và tự tìm câu trả lời cho những thắc mắc mà cuốn sách gợi ra. Ở tuổi đó, tôi không hiểu tại sao việc khổ nhọc luyện bay cao, bay nhanh của chú hải âu Jonathan lại có ý nghĩa gì giá trị hơn việc bay tự nhiên của loài chim biển ấy. Tôi không hiểu sự khác biệt giữa “sống để bay” và “bay để sống” và tại sao chú hải âu kia lại bị hắt hủi, bị xa lánh vì đeo đuổi đam mê bay bổng của mình.

Năm mươi năm sau, đọc lại "Chàng hải âu kỳ diệu" trong vai trò người dịch, tôi sống lại những xúc cảm của chú bé tám tuổi ngày nào. Bao thế hệ những chú bé, cô bé giống như tôi đã khởi đầu chuyến bay khám phá tự thân từ câu chuyện của Richard Bach và những bức ảnh đầy mộng mị của Russell Munson. Cuốn sách không hẳn dành cho tuổi nhỏ, nhưng lại là một câu chuyện ngụ ngôn truyền cảm hứng tích cực cho trẻ em. Ngỡ ngàng, thắc mắc là bước khởi đầu cho hành trình tìm kiếm một ý nghĩa hướng thượng. Ý nghĩa của cuộc đời mình, vượt thoát những hạn chế của bản thân. Ý nghĩa của đam mê và những ước mơ. Quá nhiều điều chất chứa đang đợi chờ một em nhỏ nào đó mở cuốn sách mỏng này ra. Đọc. Và bay lên."

Dịch giả Đăng Thư

Tuy là tác phẩm mang tính ngụ ngôn và dành cho thiếu nhi, thế nhưng ở khía cạnh khác, cuốn sách này cũng đã mở ra rất nhiều suy ngẫm đậm tính triết lý phương Đông. Yếu tố tôn giáo, tâm lý chữa lành cũng như thiền học… được thể hiện rõ ràng trong phần nửa sau của tác phẩm.

“Chàng hải âu kỳ diệu” do Omega+ phát hành sử dụng bản dịch theo bản cập nhật đầy đủ của nguyên tác Jonathan Livingston Seagull (The Complete Edition) do nhà xuất bản Scribner ấn hành năm 2014 (đã bổ sung thêm chương 4 và Lời cuối). Trong khi các bản dịch khác trên thị trường chỉ dịch đến hết chương 3.

Sách được minh họa bằng bộ ảnh đen trắng của nhiếp ảnh gia Russell Munson. Đây là bộ ảnh nổi tiếng gắn liền với thành công vang dội của cuốn sách. Bộ ảnh ghi lại nhiều tư thế bay khác nhau cũng như hoạt động của loài hải âu trên bầu trời, nơi biển cả… Bìa sách cũng được thiết kế mới, theo phong cách khác biệt, không dễ lẫn với những ấn bản trên thị trường. Bìa được gia công thẩm mỹ với gáy giả, dập nổi, phù bóng tên sách cùng các họa tiết chính.

Tác phẩm nằm trong mảng Văn học Kinh điển Thế giới thuộc Tủ sách Đời Người - Tinh tuyển cho người Việt. Là tủ sách cơ bản trong mọi gia đình Việt dành cho mọi thế hệ độc giả.

Richard Bach sinh năm 1936 tại Oak Park, Mỹ – là cháu trai của nhà soạn nhạc thiên tài Johann Sebastian Bach. Ông vốn là phi công chiến đấu và thợ cơ khí máy bay. Niềm yêu thích viết lách cùng với niềm đam mê về hàng không khiến hình ảnh máy bay và bầu trời xuất hiện trong hầu hết các cuốn sách của Richard Bach. Ông cũng là một trong số tác giả Mỹ chịu ảnh hưởng bởi triết lý của phương Đông. Ông là tác giả của mười một đầu sách, trong đó nổi tiếng nhất là Jonathan Livingston Seagull, 1970 (Chàng hải âu kỳ diệu) và Illusions: The Adventures of a Reluctant Messiah, 1977 (Ảo ảnh: Những cuộc phiêu lưu của một kẻ cứu thế bất đắc dĩ).

Bình luận
Việt Nam - Điểm đến không thể bỏ lỡ trong thiên niên kỷ mới
Việt Nam - Điểm đến không thể bỏ lỡ trong thiên niên kỷ mới
(Ngày Nay) - Triển lãm du lịch và kỳ nghỉ lần thứ 28 của Canada được tổ chức vào cuối tuần qua với sự tham gia tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, đại diện các đoàn ngoại giao quốc tế, các công ty lữ hành, hãng hàng không và các nhà điều hành dịch vụ du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Ấn Độ ra mắt Khung năng lực AI nhằm chuyển đổi dịch vụ công
Ấn Độ ra mắt Khung năng lực AI nhằm chuyển đổi dịch vụ công
Với hơn 3,1 triệu công chức, Ấn Độ đã thực hiện một bước tiến táo bạo hướng tới quản trị dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) thông qua việc công bố một khung năng lực toàn diện nhằm nâng cao năng lực AI trong toàn bộ khu vực công. Dựa trên Khung năng lực về AI và chuyển đổi số dành cho công chức do UNESCO ban hành, Ấn Độ đang khẳng định vị thế tiên phong trong việc tích hợp AI vào phát triển năng lực hành chính công trên quy mô lớn, với trọng tâm đặt vào nguyên tắc đạo đức và quyền con người.
Bà Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch khóa họp thứ 42 của Đại hội đồng UNESCO (bên phải).
Tái khẳng định sứ mệnh bền vững của UNESCO: Khơi dậy tinh thần hòa bình thông qua hợp tác trí tuệ
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, khi xung đột leo thang và niềm tin vào hợp tác quốc tế bị lung lay, sứ mệnh bền vững của UNESCO - thúc đẩy hòa bình thông qua tình đoàn kết trí tuệ và đạo đức - chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay. Đó là những lời mở đầu trong bài phát biểu của bà Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch khóa họp thứ 42 của Đại hội đồng UNESCO, tại phiên Toàn thể của Khóa họp thứ 221 Hội đồng Chấp hành UNESCO.
Những di sản Việt Nam thành di sản của nhân loại
Những di sản Việt Nam thành di sản của nhân loại
(Ngày Nay) -  Bộ sưu tập đồ sộ của Nhạc sĩ Hoàng Vân, bao gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc sáng tác từ năm 1951 đến 2010, đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh mục Ký ức Thế giới. Đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập về âm nhạc của cá nhân ở Việt Nam giành được vinh dự này.