Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một loạt các dự thảo chính sách buộc các công ty công nghệ Mỹ phải thay đổi phương thức kinh doanh của họ. Theo các chuyên gia trong ngành, đây là nỗ lực lập pháp tích cực nhất nhằm kiềm chế các công ty như Amazon, Apple, Google và Facebook.
Cụ thể, EU sẽ áp dụng Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, qua đó buộc các công ty truyền thông xã hội và các nền tảng thương mại phải đối mặt với những quy định như xóa bỏ các nội dung bất hợp pháp và có hại khỏi nền tảng của họ.
Đề xuất thứ hai được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số sẽ liệt một số công ty vào danh sách quy định những việc nên làm và không nên để ngăn chặn sự cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ: các công ty trong danh sáchc sẽ bị cấm sử dụng dữ liệu thu được từ người dùng doanh nghiệp để cạnh tranh với nhau.
"Hai đề xuất phục vụ một mục đích: đảm bảo rằng chúng tôi, với tư cách là người dùng, có quyền truy cập vào nhiều lựa chọn sản phẩm và dịch vụ an toàn trực tuyến. Và các doanh nghiệp hoạt động ở châu Âu có thể cạnh tranh một cách tự do và công bằng", bà Margrethe Vestager, ủy viên EU phụ trách các vấn đề công nghệ, cho biết trong một tuyên bố.
Vương quốc Anh, quốc gia đã rời Liên minh châu Âu vào đầu năm nay, cũng không nằm ngoài làn sóng "kiểm soát" này. Các công ty công nghệ nếu không xóa hoặc hạn chế việc lan truyền nội dung bất hợp pháp sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 10% doanh số hàng năm của họ.
Các quy định hiện có để đánh tiền phạt chống độc quyền lên đến 10% doanh thu toàn cầu sẽ được mở rộng sang nhiều khu vực hơn và trong tương lai những công ty vi phạm có thể bị buộc phải bán các bộ phận kinh doanh của họ nếu tiếp tục vi phạm các quy tắc.
Các công ty công nghệ dự kiến sẽ phản đối mạnh mẽ các đề xuất này.
"Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các nhà hoạch định chính sách của EU để giúp đảm bảo rằng các đề xuất đáp ứng các mục tiêu đã nêu để người châu Âu tiếp tục gặt hái tất cả những lợi ích từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số", Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông, một nhóm thương mại đại diện cho Amazon, Facebook, Twitter và Google, cho biết trong một tuyên bố. "Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ tìm cách đưa EU trở thành khu vực dẫn đầu về đổi mới kỹ thuật số, không chỉ về quy định kỹ thuật số."
Tại Mỹ, chính phủ liên bang và các bang đã khởi động các vụ kiện chống độc quyền mang tính bước ngoặt đối với Google và Facebook, thách thức trực tiếp sự thống trị của những tên tuổi hàng đầu của Thung lũng Silicon. Ủy ban Thương mại Liên bang muốn buộc Facebook bán Instagram và WhatsApp - những nền tảng từng được coi là đối thủ tiềm năng của Facebook.
Chính phủ Anh cảnh báo họ đã sẵn sàng để cấm các nền tảng không tuân thủ các quy định mới một cách nghiêm túc và áp đặt các biện pháp trừng phạt hình sự đối với các nhà quản lý cấp cao.
"Tôi là người ủng hộ công nghệ nhưng điều đó không có nghĩa là công nghệ được làm gì tùy ý", Bộ trưởng Kỹ thuật số Vương quốc Anh Oliver Dowden cho biết trong một tuyên bố. "Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới mà sẽ phải chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em và những người dùng dễ bị tổn thương khỏi công nghệ, khôi phục lòng tin trong ngành công nghiệp này và tuân theo các biện pháp bảo vệ pháp luật cho quyền tự do ngôn luận".