Trong một tuyên bố chung, các lãnh đạo ngành y tế tại châu Âu cho biết đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng sức ép đối với các hệ thống y tế. Các lệnh phong tỏa và nỗi sợ lây nhiễm COVID-19 khi đến các cơ sở y tế đã khiến nhiều cha mẹ trì hoãn việc tiêm phòng cho con cái của mình.
Tuyên bố trên được Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Henri P. Kluge, ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides và Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khu vực châu Âu và Trung Á Afshan Khan đưa ra vào thời điểm diễn ra Tuần lễ Tiêm chủng châu Âu 2023.
Theo tuyên bố, hơn 1 triệu trẻ em ở châu Âu đã bỏ lỡ tất cả hoặc một số lần tiêm chủng định kỳ kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào năm 2020. Điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các đợt bùng phát bệnh sởi, bại liệt, bạch hầu và các bệnh truyền nhiễm khác. Các trường hợp mắc bệnh sởi trong 53 nước tại châu Âu đã tăng từ mức 159 của năm 2021 lên hơn 900 vào năm 2022, trong khi các trường hợp mắc bệnh bạch hầu đã tăng từ 41 ca vào năm 2021 lên 300 ca vào năm 2022.
Các quan chức y tế hàng đầu cảnh báo ngày càng nhiều trẻ em đối mặt với tình trạng chậm tiêm vaccine, làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch lớn như sởi, bại liệt, bạch hầu..... Bên cạnh đó, tuyên bố cũng nêu bật tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng trong vấn đề tiêm phòng cho trẻ giữa các nước nghèo và nước giàu. Trong năm 2021, khoảng 50% trong số 20 nước thu nhập trung bình của châu Âu có tỷ lệ bao phủ vaccine dưới 90% đối với ít nhất một loại vaccine, so với mức chưa tới 10% ở các nước thu nhập cao. Những thách thức khác đối với chiến lược tiêm chủng tại châu Âu bao gồm khủng hoảng tại Ukraine, động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đang gây gián đoạn các dịch vụ y tế và hạn chế việc tiếp cận các loại vaccine quan trọng.
Tuần lễ Tiêm chủng châu Âu là một sự kiện thường niên diễn ra vào tuần cuối của tháng 4.