Việc phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ phá thai chưa bao giờ là vấn đề bình đẳng tại châu Âu. Quyền được chấm dứt thai kỳ ghi nhận có sự thay đổi lớn từ Malta, quốc gia coi hành động này bất hợp pháp trong mọi trường hợp, cho tới Hà Lan, nơi đã ban hành những luật lệ hậu thuẫn hơn cho lựa chọn phá thai.
Đại dịch diễn biến khó lường đã làm vấn đề này càng trở nên nổi cộm. Tình trạng người dân ở nhà 24/7, các lệnh giãn cách, dịch vụ y tế căng thẳng và quá trình tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế trở nên phức tạp hơn bao giờ hết với những người mang thai ngoài ý muốn. Cách các chính phủ đối phó với thực trạng này nói lên rất nhiều điều về lập trường sẵn có về quyền sinh sản.
Tại Pháp, chính phủ nước này đã tạm thời thay đổi luật vào tháng 4/2020, cho phép phụ nữ được phá thai tại nhà với những thai kỳ dưới bảy tuần tuổi (hoặc chín tuần kể từ kỳ kinh nguyệt cuối cùng). Dịch vụ phá thai trực tuyến, nơi cung cấp chỉ dẫn của các chuyên gia qua điện thoại hoặc cuộc gọi video về việc phá thai tại nhà, hiện vẫn đang được phép triển khai cho đến tháng 9/2021. Các chính sách tương tự cũng được áp dụng ở Anh, Scotland, Wales, Ireland cũng như một số bang của Hoa Kỳ.
Bí mật, riêng tư và thoải mái
Theo Hazal Atay, Nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, nhu cầu phá thai bằng thuốc đã tăng cao trong thời gian giãn cách. Hazal Atay và cộng sự đã xem xét các cuộc tư vấn trực tuyến từ Pháp tới Women on Web, một tổ chức phi chính phủ về phá thai bằng y học từ xa của Canada có phạm vi hoạt động trên toàn thế giới.
Những khảo sát của nhóm nghiên cứu gồm 25 câu hỏi về nền tảng nhân khẩu học và tình trạng y tế của từng cá nhân, cũng như các rào cản trong nhận thức về việc tiếp cận với dịch vụ chấm dứt thai kỳ an toàn tại địa phương, và lý do cho việc lựa chọn phương pháp phá thai trực tuyến.
Trong tổng số 809 phụ nữ Pháp được khảo sát, lý do phổ biến nhất khi lựa chọn phá thai trực tuyến là do sự bí mật (chiếm 46%), đảm bảo quyền riêng tư (chiếm 38%), vì sự thoải mái, tiện lợi (35%), cuối cùng là vì đại dịch COVID-19 (31%).
Dù các cá nhân được khảo sát cho biết họ khó tiếp cận dịch vụ chấm dứt thai kỳ tại địa phương trong thời gian dịch bệnh do các lệnh hạn chế đi lại, sự thiếu sẵn sàng của các cơ sở y tế và nỗi lo nhiễm virus. Tuy nhiên, đó không phải mục tiêu chính dẫn họ đến lựa chọn này. Nhóm của Hazal Atay tìm thấy những động lực sâu kín hơn là các lý do liên quan đến sự riêng tư, bí mật và sự thoải mái.
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng, so với phụ nữ trên 36 tuổi, phụ nữ từ 18 đến 25 tuổi có xu hướng chấm dứt thai kỳ tại nhà thông qua hỗ trợ y tế từ xa cao gấp hai lần. Nhóm tuổi 18 đến 25 cũng có nguy cơ bị kỳ thị khi tiếp cận dịch vụ phá thai và gặp khó khăn về tài chính cao gấp hai lần so với những nhóm tuổi khác ở Pháp.
Bên cạnh đó, phụ nữ tiếp tục gặp những ràng buộc ở cấp độ vĩ mô, cấp độ cá nhân và cấp độ nhà cung cấp. Trong đó, các ràng buộc ở cấp độ vĩ mô bao gồm các điều kiện chính trị xã hội, các hạn chế pháp lý và thời gian. Các ràng buộc ở cấp độ cá nhân bao gồm hoàn cảnh và sở thích. Các ràng buộc ở cấp độ nhà cung cấp là vấn đề đặt ra xung quanh việc cung cấp dịch vụ và tiếp cận dịch vụ chăm sóc có sẵn.
Nhu cầu phá thai tự nguyện
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất rằng phụ nữ có thể tự chủ động trong quá trình phá thai của mình, mà không cần sự giám sát của các nhân viên y tế và bác sĩ, cho đến ngưỡng 12 tuần tuổi thai kỳ. Tổ chức này cũng tuyên bố rằng phá thai tự nguyện có thể là sự lựa chọn của một bộ phận vì lý do thực tế, bao gồm cảm giác thoải mái tại nhà, dễ lên lịch, giảm nhu cầu di chuyển và không tạo ra sự kỳ thị.
Tại Anh, các nhà nghiên cứu đã đưa ra lập luận, dịch vụ phá thai trực tuyến có thể mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chấm dứt thai kỳ ở các vùng nông thôn và có lợi ích cho những phụ nữ dễ bị tổn thương nhất, khi họ sống trong cảnh nghèo đói và đối mặt với tỷ lệ kỳ thị và phán xét cao hơn.
Bất chấp khuyến cáo của WHO và cơ sở bằng chứng khoa học ngày càng gia tăng, các quốc gia vẫn miễn cưỡng cho phép phụ nữ sử dụng thuốc phá thai tại nhà cho đến trước khi COVID-19 xảy ra.
Thuốc phá thai Mifepristone, loại thuốc đã bị hạn chế nhiều ở nhiều quốc gia. (Ảnh: theconversation) |
Ở Pháp, trước khi xảy ra đại dịch, thuốc phá thai không được bán tại các hiệu thuốc và phụ nữ phải đến các cơ sở y tế để uống thuốc phá thai với sự có mặt của bác sĩ hoặc nữ hộ sinh. Phá thai y tế cũng chỉ được cho phép với thai kỳ dưới 5 tuần tuổi và phá thai từ xa là không được chấp nhận.
Tại Hoa Kỳ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm từ lâu đã yêu cầu cấp phát thuốc phá thai Mifepristone tận tay - một yêu cầu chỉ mới được dỡ bỏ tạm thời trong thời gian xảy ra đại dịch.
Một nghiên cứu gần đây từ Vương quốc Anh cho thấy phá thai bằng thuốc trực tuyến trong đại dịch làm giảm thời gian chờ đợi và cho phép phụ nữ chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai sớm hơn. Một nghiên cứu khác về phá thai tại nhà ở Scotland đã kết luận rằng chăm sóc y tế từ xa có hiệu quả và có tỉ lệ được phụ nữ lựa chọn cao.