Hành động này được xem như nối tiếp phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Hiến pháp vào tháng 4/2019, theo đó nhận định lệnh cấm phá thai là vi hiến, việc cấm phá thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ là vi phạm quyền tự quyết của phụ nữ.
Mặc dù Luật chống phá thai đã bị bãi bỏ ở Hàn Quốc, nhưng do không có sửa đổi đối với các dự luật liên quan, phụ nữ muốn phá thai đã bị bỏ rơi mà không được tiếp cận những nguồn thông tin y tế chính xác và tư vấn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Từ tháng 8/2021, thai phụ có thể được tư vấn trực tiếp với bác sĩ, họ sẽ được hướng dẫn tổng thể về quy trình phá thai, hướng dẫn trước và sau phẫu thuật cũng như các rủi ro và biến chứng có thể xảy ra do thủ thuật này.
Phí tư vấn đã được ấn định vào khoảng 30.000 won (26 đô la), trong đó bệnh nhân phải trả 30% đến 60% tùy thuộc vào bệnh viện mà họ đến khám, số tiền còn lại sẽ được chi trả bởi hệ thống Bảo hiểm Y tế Quốc gia.
"Đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa dịch vụ y tế liên quan đến phá thai vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi hy vọng cách tiếp cận này sẽ tiếp tục nhằm đảm bảo phá thai an toàn cho tất cả phụ nữ", Na-young, người đứng đầu tổ chức Hành động vì Công bằng trong Sinh sản cho biết.
Theo một cuộc khảo sát gần đây do Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc thực hiện, 82% phụ nữ tìm cách phá thai gặp trở ngại do chi phí cao.
"Vì phẫu thuật phá thai không nằm trong hệ thống bảo hiểm nhà nước, giá cả khác nhau giữa các bệnh viện và chúng được định giá quá cao trong nhiều trường hợp, khiến nhiều phụ nữ khó nhận được phẫu thuật trong giai đoạn đầu của thai kỳ", Na-young nhận xét: "Bảo hiểm phá thai công khai là điều cần thiết để ngăn ngừa sự chậm trễ trong phẫu thuật do các vấn đề chi phí."
Mặt khác, nhà hoạt động cũng chỉ trích sự thiếu nỗ lực của chính quyền trong việc đưa ra các biện pháp liên quan sau khi luật hình sự về trừng phạt hành vi phá thai bị hủy bỏ kể từ ngày 31/12/2020.