Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, kể từ đầu tháng 10 đến thời điểm giữa tháng 11/2020, mưa bão tại các tỉnh miền Trung gây ra lũ lụt và sạt lở đất làm ít nhất 170 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán, hơn 7 triệu người khác bị ảnh hưởng. Ước tính tổng giá trị thiệt hại về tài sản là hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một thống kê khác khiến dư luận phải giật mình là đợt mưa bão diễn ra trong hai tháng qua đã khiến 12 trên tổng số 14 tỉnh thành miền Trung ghi nhận xảy ra sạt lở. Cụ thể:
Tại Thanh Hoá, chiều 19/10, hàng trăm mét khối đất từ trên núi bất ngờ đổ xuống khu vực nhà dân tại bản Xắng Hằng, xã biên giới Yên Khương (huyện Lang Chánh) khiến tỉnh lộ 530 bị chia cắt, giao thông ách tắc. Hàng chục bộ đội và người dân phải di dời khẩn cấp.
Sạt lở tại Thanh Hoá khiến giao thông chia cắt |
Tại Nghệ An, tối 29/10, mưa lớn làm hàng trăm tấn đất đá trên núi đổ xuống trên Quốc lộ 46B, đoạn qua Rú Nguộc, huyện Thanh Chương khiến giao thông qua khu vực bị chia cắt hoàn toàn.
Tại Hà Tĩnh, ngày 30/10 ghi nhận 2 vụ sạt lở đất. Núi Quang Sơn thuộc địa bàn thôn 1, xã Cẩm Quang (huyện Cẩm Xuyên) ghi nhận vết sạt lở có chiều dài hơn 20m, 10 hộ dân phải di dời khấp cấp. Ngoài ra, tại thôn 1 và thôn 6, xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên) cũng xuất hiện thêm nhiều vết sạt lở mới trên nền vết sạt lở cũ, 33 hộ dân được sơ tán.
Tại Quảng Bình, chiều 24/10, cơ quan chức năng đã tìm thấy đủ 4 thi thể trong vụ sạt lở đất ở khu vực rừng sâu thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm ở địa phận xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, trong đó có 3 anh em ruột. Ngoài ra, sạt lở còn xảy ra ở huyện Tuyên Hoá khiến hàng chục hộ dân phải di dời…
Tại Quảng Trị, rạng sáng 18/10, nhà chức trách nhận tin xảy ra một vụ sạt lở đất tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Hơn 20 cán bộ chiến sĩ thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đóng trên địa bàn xã đang ở trong một ngôi nhà bị vùi lấp. Đến ngày 19/10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 22 thi thể chiến sĩ.
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ở Quảng Trị |
Tại Thừa Thiên Huế, khoảng 0 giờ ngày 12/10, đất đá bất ngờ ập xuống nhà điều hành nơi công nhân đang ngủ, vùi lấp 17 người tại thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. Tính đến chiều 22/11, cơ quan chức năng chỉ mới tìm được 6 thi thể, vẫn còn 11 người mất tích. Tiếp đó, đêm 13/10, trong khi đi làm nhiệm vụ cứu hộ - cứu nạn vụ sạt lở ở Rào Trăng 3, đoàn cán bộ chiến sĩ của Quân Khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gặp nạn tại trạm bảo vệ rừng thuộc Trạm 67 làm 13 cán bộ, chiến sĩ thiệt mạng.
Tại Đà Nẵng, chiều 6/11, trên bán đảo Sơn Trà ghi nhận có đến 7 điểm sạt lở khác nhau khiến đất đá trôi xuống, cành cây gãy đổ chắn ngang đường gây cản trở giao thông. Nhiều đoạn đường theo các vách núi, đá vẫn còn treo lơ lửng trên các lớp đất xốp cực kỳ nguy hiểm. Nhà chức trách đã cho cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, khắc phục tạm thời để thông đường, tuy nhiên, các tảng đá lớn vẫn chưa thể di dời.
Tại Quảng Nam, mưa lớn từ khuya 29 đến sáng 30/11 khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Nam Trà My bị sạt lở trở lại, gây chia cắt, đặc biệt là tuyến quốc lộ 40B. Người dân ở vùng nguy cơ sạt lở đã chủ động di dời đến nơi an toàn.
Mưa lớn làm công tác tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích do vụ sạt lở núi Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) tạm dừng để đảm bảo an toàn. Vụ sạt lở này làm 9 người chết, 13 người mất tích, hơn chục người khác bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu, điều trị. Theo thống kê, có 9 huyện thuộc Quảng Nam xảy ra sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề.
Hình ảnh sạt lở kinh hoàng ở Quảng Nam |
Tại Quảng Ngãi, rạng sáng 11/11 xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây. Khu vực sạt lở rộng đến 1 ha, khối lượng bùn đất đổ xuống tạo thành dòng lũ bùn chảy như sông xuống triền đồi.
Tại Bình Định, tối 6/11, cơ quan chức năng cho biết huyện miền núi Vĩnh Thạnh xảy ra sạt lở núi khiến nhà điều hành công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và một nhà dân bị sập. Sạt lở gây tắc nghẽn một số vị trí trên kênh dẫn nước vào nhà máy thủy điện. Đoạn đường bê tông từ nhà làm việc công trình đến đập Vĩnh Sơn 5 đang bị tắc nghẽn giao thông.
Tại Phú Yên, tối 30-11, tin từ UBND huyện Đồng Xuân cho biết hơn 230 hộ với hơn 700 người ở hai thôn Làng Đồng, Phú Hải của xã Phú Mỡ đang bị cô lập do các đường vào hai địa phương này bị sạt lở nặng. Ngoài ra, tỉnh lộ 647 đoạn qua xã Phú Mỡ bị sạt lở nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông.
Tại Khánh Hoà, tối 29/11, Quốc lộ 27C từ Nha Trang (Khánh Hòa) đi Đà Lạt (Lâm Đồng) đoạn qua đèo Khánh Lê, thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh bị ách tắc hoàn toàn do sạt lở, khoảng 2.000 m3 đất đá tràn xuống mặt đường.
Khánh Hoà là tỉnh mới nhất ghi nhận sạt lở |
Ngoài 12 tỉnh kể trên thì Ninh Thuận, Bình Thuận là 2 vùng chưa ghi nhận xảy ra sạt lở. Hai địa phương này thuộc vùng cực nam Nam Trung Bộ, có điều kiện khí hậu khô hạn nhất của cả nước. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây rất thấp, chỉ từ 1.000 mm đến 1.400 mm, không đủ cân bằng với tổng lượng bốc hơi. Vì thế đất đai thường khô cằn nên ít xảy ra sạt lở đất đá.