Airbus A320 là dòng máy bay vận tải hành khách thương mại tầm ngắn đến tầm trung do hãng Airbus S.A.S. chế tạo. Các phiên bản của dòng máy bay này gồm có A318, A319, A320, và A321, cũng như máy bay phản lực kinh doanh ACJ.
Được bay thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 22/2/1987, Airbus A320 chính thức được xuất xưởng vào 28/3/1988. Dòng máy bay này đã đi tiên phong trong việc sử dụng các hệ thống kiểm soát bay điều khiển bằng điện kết hợp máy tính (fly-by-wire) kỹ thuật số giúp giảm thiểu chi phí nhiên liệu so với các dòng máy bay cùng hạng.
|
Chiếc Airbus 320-200 (chuyến bay QZ8501) của AirAsia Indonesia chở 162 người đã chính thức được tuyên bố mất tích vào lúc 7 giờ 55 ngày 28/12 (Ảnh minh họa) |
Serie A320 có hai phiên bản biến thể, A320-100 và A320-200. Phiên bản A320-200 là phiên bản cuối cùng do chỉ có 21 chiếc A320-100 được sản xuất từ trước đến nay. Những chiếc A320-100 đầu tiên này chỉ được giao cho hai hãng hàng không Air France và British Airways (do đơn đặt hàng của hãng British Caledonian Airways đã đặt trước khi hãng này bị British Airways mua lại). So với A320-100, A320-200 nổi bật với các lá chắn cánh phụ nhỏ và sức chứa nhiên liệu tăng giúp máy bay có thể bay xa hơn.
Tầm bay điển hình với lượng khách chuyên chở là 150 người đối với máy bay A320-200 là 2900 hải lý (5.400 km). Nó được đẩy bằng hai động cơ CFMI CFM56-5 hay IAE V2500 với công suất đẩy trong khoảng 25.500 đến 27.000 pound (tương đương 113 kN đến 120 kN).
So với các loại tàu bay cùng hạng khác, A320 nổi trội với cabin một lối đi ở giữa và các hộc để hành lý trên đầu rộng hơn cùng với công nghệ điều khiển máy bay bằng kỹ thuật số (fly-by-wire technology). Ngoài ra, máy bay này cũng có một khoang chứa hàng rộng rãi được trang bị bằng các cửa rộng để giúp việc bốc dỡ hàng hóa thuận lợi.
Các đặc điểm nổi bật này đã mang đến các đơn đặt hàng từ các hãng hàng không như Northwest Airlines (khách hàng đầu tiên từ Hoa Kỳ), United Airlines, và British Airways. Chi phí bảo dưỡng và vận hành thấp của A320 cũng đã thu hút sự chú ý của các hãng hàng không giá rẻ. Ví dụ như hãng hàng không JetBlue đã có các đơn đặt hàng và hợp đồng mua trước lên đến 233 chiếc phản lực thuộc dòng A320. Các hãng hàng không giá rẻ khác có đơn đặt hàng đáng kể gồm có Kingfisher Airlines, IndiGo Airlines (đặt hàng 100 chiếc), EasyJet, Frontier Airlines, Tiger Airways, Cebu Pacific Air và AirAsia.
Thông số kỹ thuật của Airbus 320-200
Kích thước | A320 |
Phi hành đoàn | 2 |
Số khách chuyên chở | 180 (2hạng ghế) |
Chiều dài | 37.57m (123ft) |
Sải cánh | 34,10 m (111ft 10 in) |
Góc cụp cánh | 25° |
Chiều cao | 11,76 m (38ft 7 in) |
Chiều rộng Cabin | 3.70 m (12ft 1 in) |
Chiều rộng thân máy bay | 3,95 m. (13ft) |
Trọng lượng lúc trống điển hình | 42.400kg |
Trọng lượng cất cánh tối đa | 77.000kg (169.000lb) |
Tốc độ bay tiết kiệm xăng nhất | .79 Mach |
Tốc độ bay tối đa | .82 Mach |
Độ dài chạy khi cất cánh MTOW | 2.090m (6.857ft) |
Tầm xa khi đầy tải | 5.700km hay 3.000nm |
Sức chứa nhiên liệu tối đa | 29.680 lít hay 6.850 USG |
Độ cao tối đa lúc bay | 39.000ft |
Động cơ | 2 X IAE V2500 - 2 X CFM56-5 |
Theo thống kê, dòng A320 có tốc độ sản xuất cao nhất từ trước đến nay, hơn bất kỳ loại máy bay thương mại nào khác và cũng là dòng máy bay phản lực bán chạy thứ hai từ trước đến nay, chỉ xếp sau đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Boeing 737.
Có rất nhiều hãng hàng không trên thế giới "chuộng" Airbus A320 nhưng không ít lần tai nạn thảm khốc đã xảy ra đối với loại máy bay này.
Ngày 26/6/1988, máy bay Airbus A320 mang số hiệu 296Q của hãng hàng không Air France đã đâm vào các ngọn cây nằm phía ngoài đường băng trong một chuyến bay biểu diễn tại Habshiem, Pháp. Máy bay bị rơi, 3 trong số 136 hành khách tử vong.
Ngày 14/2/1990, máy bay Airbus A320 mang số hiệu 605 của hãng hàng không Ấn Độ Indian Airlines, chở 146 hành khách đã bị rơi khi đang hạ cánh xuống sân bay Bangalore, khiến 88 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn tử vong.
Ngày 20/1/1992, một chiếc Airbus A320-111 của hãng hàng không Air Inter có số hiệu 148 đã đâm vào một đỉnh núi gần núi Sainte-Odile thuộc dãy Vosges ở Pháp. Tai nạn này đã khiến 85 người thiệt mạng trong đó có 5 thành viên phi hành đoàn và 82 hành khách.
Ngày 14/9/1993, chiếc Airbus A320-200 mang số hiệu 2904 của hãng hàng không Lufthansa trong khi hạ cánh xuống sân bay Warsaw, Ba Lan đã gặp sự cố khi lao vào một bức tượng đất ở cuối đường băng. Lửa lập tức bùng lên ở cánh trái của máy bay và lan vào cabin hành khách. Tai nạn này đã khiến 2 phi công và một hành khách thiệt mạng.
Ngày 23/8/2000, máy bay Airbus A320-212 mang số hiệu 072 của hãng hàng không Gulf Air bị rơi tại Vịnh Ba Tư khi đang hạ cánh xuống sân bay Bahrain. Tai nạn này làm toàn bộ 143 hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.
Ngày 3/5/2006, máy bay Airbus A320-211 của hãng hàng không Armavia số hiệu 967 bị rơi xuống Biển Đen khi đang cố hạ cánh lần thứ 2 xuống sân bay Sochi của Nga. Tất cả 113 hành khách và phi hành đoàn đều tử nạn.
Ngày 17/7/2007, máy bay Airbus A320-200 của hãng hàng không TAM Linhas Aereas bị tai nạn khi đang cố hạ cánh xuống sân bay quốc tế Congohas-Sao Paulo làm tổng cộng 199 người thiệt mạng, bao gồm cả những người trên máy bay và những người dưới mặt đất.
Ngày 30/5/2008, máy bay Airbus 320-200 của hãng hàng không TACA Airlines bị trượt khỏi đường băng khi đang hạ cánh xuống sân bay quốc tế Toncontin ở Tegucigalpa, Honduras vì điều kiện thời tiết xấu làm ít nhất 5 người thiệt mạng.
Mới đây 28/12/2014, chiếc máy bay Airbus A320-200 có số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không AirAsia đi từ thành phố Surabaya ở Indonesia tới Singapore chở 162 người đột nhiên mất tích. Hiện nay, các nhà chức trách của nhiều quốc gia đang hợp tác để tìm tung tích ra chiếc máy bay nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Số phận của chiếc máy bay cùng 162 hành khách và thành viên phi hành đoàn vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.