Không chỉ có thiết kế độc đáo không tìm thấy trong bất kỳ mẫu mã hay hình ảnh lưu trữ nào của Tiffany Studios, chiếc đèn còn sử dụng những kỹ thuật chế tác vô cùng tinh xảo.
Chao đèn và phần đế mô tả cây thường xuân Boston, một loại cây phổ biến ở vùng đông bắc Bắc Mỹ. Tuy nhiên, khi được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1960, nhiều người đã nhầm lẫn nó với cành cây phong. Điểm đặc biệt là lá cây thường xuân Boston có ba thùy, quả mọng màu tía và thân cây có lông tơ, hoàn toàn khác biệt với hình lá đặc trưng của cây phong.
Đèn Tiffany thường xuân với nhiều chi tiết độc đáo. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany |
Kiểu dáng chao đèn cũng khá độc đáo. Khung đèn bằng đồng được chế tác theo kiểu dáng uốn lượn mềm mại, tương tự như các mẫu đèn Wisteria, Trumpet Creeper và Rose. Tuy nhiên, đây là mẫu đèn duy nhất có phần khung mở kéo dài xuống tận mép chao. Ngoài ra, những quả mọng trên cây được làm từ hạt thủy tinh, một chi tiết hiếm gặp trong các tác phẩm của Tiffany Studios.
Điểm ấn tượng nhất của chiếc đèn là cách chế tác những chiếc lá. Thay vì sử dụng kỹ thuật truyền thống để cắt kính Favrile, những chiếc lá được tạo hình bằng phương pháp ép khuôn phù điêu. Mỗi kích thước lá cần sử dụng một khuôn riêng, và hoa văn trên lá được tạo ra bằng cách ép kính vào khuôn.
Những chiếc lá được tạo hình bằng phương pháp ép khuôn phù điêu. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany |
Khung niên đại sản xuất chiếc đèn vẫn còn là bí ẩn. Do thiết kế độc đáo và tính thử nghiệm cao, nhiều người cho rằng nó được sản xuất vào đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, phần đế đèn lại mang số lượng sản xuất ban đầu khoảng 10.000 đến 20.000 chiếc và có chữ lồng của Công ty Trang trí và Thủy tinh Tiffany, những chi tiết thường xuất hiện trên các tác phẩm sau năm 1902.