Theo CBO, trong giai đoạn trên, thu ngân sách của Mỹ đã tăng hơn 371 tỷ USD (tương đương 26%) và chi tiêu giảm hơn 201 tỷ USD (tương đương 8%) so với cùng kỳ năm trước.
Người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vấn đề ngân sách có tên “Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm” (Committee for a Responsible Federal Budget) Maya MacGuineas cho mức thâm hụt ngân sách của Mỹ trong tháng 2 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do chính phủ chấm dứt gói cứu trợ nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19, chứ không phản ánh sự cải thiện về triển vọng tài khóa cơ bản. Bà MacGuineas lưu ý rằng các khoản vay và chi tiêu khẩn cấp được Chính phủ Mỹ giải ngân để người dân và các doanh nghiệp giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 là cần thiết vào thời điểm trước đây, nhưng hiện không còn phù hợp. Bà thúc giục các nhà lập pháp thực hiện các bước thay đổi nhằm giảm chi tiêu, tăng thu ngân sách và đưa nước Mỹ đi đúng hướng để có nền tảng tài chính vững chắc hơn.
Nợ công của Mỹ lần đầu tiên vượt 30.000 tỷ USD vào ngày 1/2 vừa qua trong bối cảnh lạm phát leo thang và lãi suất dự kiến sẽ tăng, làm gia tăng lo ngại về sự bền vững tài khóa. Ngày 18/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải ký ban hành một dự luật ngân sách ngắn hạn để duy trì hoạt động của chính phủ đến hết ngày 11/3.
Trong Thông điệp liên bang chính thức đầu tiên của mình vào tuần trước, Tổng thống Biden cho rằng chính quyền tiền nhiệm đã làm tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ khi cắt giảm mạnh thuế cho người giàu và các tập đoàn lớn. Ông cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách hệ thống thuế của nước này.
“Ủy ban vì một ngân sách liên bang có trách nhiệm” dự báo nợ quốc gia của Mỹ sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD trong năm nay và gần 13.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.