Theo WHO, Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, đứng thứ ba tại ASEAN (sau Indonesia và Philippines). Mỗi năm, nước ra có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) và quy định nhập lậu thuốc lá là hành vi bị nghiêm cấm.
"Có thể nói, buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận (trên 400%), chỉ sau buôn bán ma túy, vì vậy đây là ma lực đối với những đối tượng buôn lậu, kéo theo đó là đội quân cửu vạn đem lại nguồn lợi cho các đầu nậu đứng sau", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết.
Các "điểm nóng" buôn lậu thuốc lá tập trung tại các tỉnh biên giới Tây Nam như Long An, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh,...Còn các thành phố như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng là địa bàn buôn bán, tiêu thụ điếu ngoại nhập lớn nhất cả nước.
Thuốc lá lậu được các đối tượng ngang nhiên vận chuyển bằng xe máy giữa ban ngày. Ảnh: TTXVN |
Hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra hết sức tinh vi và nhiều thủ đoạn, diễn ra cả trên đường bộ, đường thủy và đường hàng không/bưu điện.
Cuộc chiến chống thuốc lá lậu
Theo ông Nguyễn Tiết Đạt - Cục Phó Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục Quản lý thị trường, từ đầu năm 2019 đến nay các lực lượng đã kiểm tra và xử lý 1.976 vụ, tịch thu hơn 646.000 bao thuốc lá, tiêu hủy hơn 96.000 bao. Tổng số tiền phạt hành chính lên tới 8,63 tỷ đồng, số vụ xử lý hành sự là 16.
Nói về thực trạng của "cuộc chiến chống thuốc lá lậu", ông Phan Đình Quân - đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), cho biết các vụ vận chuyển thường diễn ra vào ban đêm, khi các đối tượng sử dụng xe gắn máy, vận chuyển theo lối tắt hai bên cửa khẩu, tập trung trong rừng để chờ cơ hội thuận tiện vận chuyển vào sâu nội địa.
Trong giai đoạn từ 2014-2018, Tổng Cục Hải quan cho biết đã thiêu hủy hơn 2 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Ảnh: Báo Gia Lai |
"Hoạt động đấu tranh diễn ra hết sức nguy hiểm, thậm chí các đối tượng khi bị bắt giữ còn sẵn sàng tụ tập theo nhóm, lợi dụng người dân xung quanh để chống trả lực lượng chức năng nhằm cướp lại hàng về", ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá liên tục gia tăng bắt nguồn từ lợi nhuận khổng lồ mà nó đem lại. Cụ thể, thuốc lá dán nhãn hiệu Hero chênh lệch từ 800 tới 1.000 đồng/bao, thuốc lá Jet là từ 1.000-1.200 đồng/bao.
Trong khi đó, thuốc lá sản xuất trong nước còn bị áp thuế cao, ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất đang kinh doanh trong điều kiện môi trường pháp lý nghiêm ngặt như in cảnh báo sức khỏe lên vỏ bao; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá,...khiến giá thành sản xuất thuốc lá trong nước cao hơn so với giá thành các nước trong khu vực và khiến người dân có thói quen tìm mua thuốc lá lậu.
Hậu quả của vấn nạn buôn lậu thuốc lá
Tại hội thảo, ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cho rằng vấn nạn buôn lậu thuốc lá đang để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, thuốc lá nhập lậu thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, không kiểm soát được chất độc hại bị cấm sử dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Triết - Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết chỉ riêng hai nhãn hiệu thuốc lá Jet và Hero đã có hàm lượng các chất độc hại cao hơn mức thông thường và vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. |
Cũng tại hội nghị, ông Rodney Van Dooren - Trưởng bộ phận Phòng chống buôn lậu của Philip Morris International (PMI) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết các nhà sản xuất thuốc lá trong nước đang phải đối mặt với những thách thức về hàng giả trên thị trường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới, thuốc lá buôn lậu chiếm từ 10-12% tổng sản lượng tiêu thụ thuốc lá toàn cầu, ước tính lên tới 600 tỷ điếu thuốc lậu.
Buôn lậu thuốc lá tại khu vực Nam và Đông Nam Á ước tính chiếm 15% tổng sản lượng thế giới. Theo một công ty nghiên cứu thị trườn của Anh - EUROMONITOR, Việt Nam đứng thứ ba trong số các quốc gia tại khu vực với 21 tỉ điếu thuốc lá lậu, đứng sau Pakistan 27 tỷ điếu và Ấn Độ 28 tỷ điếu.
"Điều chúng ta cần làm đó là tăng cường kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật, cũng như xây dựng các quy định phù hợp để quản lý sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam, bao gồm thuốc lá làm nóng, để bảo vệ lợi ích của chính phủ (đặc biệt là tránh thất thu thuế), lợi ích của người hút thuốc trưởng thành Việt Nam và nhà sản xuất hợp pháp", ông Van Dooren chỉ ra.
Kết luận hội thảo, đại diện Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đề xuất 4 kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công cuộc phòng chống thuốc lá lậu:
Một là, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá
Hai là, xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập của chính sách, pháp luật, tăng chế tài xử phạt để tăng sức răn đe.
Ba là, tuyên truyền cho người dân không buôn lậu hoặc tiếp ttiếp tay cho buôn lậu thuốc lá; vận động ngưới tiêu dùng thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Bốn là, các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, trong đó đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở thị trường Việt Nam.