“Hồn Trương Ba, da hàng thịt”?
Công ty CP Tập đoàn VIDEC là chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (có tên thương mại là The Diamond Park) tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh. Dự án được phê duyệt bao gồm Khu nhà ở hỗn hợp có nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đồng bộ cùng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Trong đó, có ô đất xây dựng nhà ở chung cư cao tầng (với diện tích khoảng 14.546m2, được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định 1739/QĐ-UBND ngày 15/3/2017, diện tích khoảng 17.015m2) để xây dựng nhà ở xã hội và được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước theo Luật nhà ở và các quy định hiện hành (được miễn tiền sử dụng đất).
Các công trình nhà ở thương mại, công trình hỗn hợp còn lại tại dự án không được hưởng các chế độ ưu đãi như nhà ở xã hội. Theo quy định của pháp luật, phần diện tích xây dựng nhà ở thương mại và các công trình phụ trợ này, chủ đầu tư phải thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước như nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào khác ngoài phần diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội được miễn nộp tiền sử dụng đất.
Tại Quyết định số 2736/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 30/7/2008, giá thu tiền sử dụng đất dự án này được phê duyệt ở mức 1.070.000 đồng/m2. Như vậy, công ty CP Tập đoàn VIDEC phải nộp khoảng 60 tỷ đồng cho phần diện tích không phải là diện tích được phê duyệt dành để xây nhà ở xã hội. Đại diện Công ty CP Tập đoàn VIDEC cho biết tính tới tháng 12/2018 đơn vị này đã nộp hơn 20 tỷ đồng và sẵn sàng nộp số tiền còn lại khi công tác GPMB hoàn tất.
Có thể thấy, về mặt pháp lý và thực tiễn, công ty CP Tập đoàn VIDEC không khuất tất khi triển khai dự án, không có chuyện nhà nước ưu đãi công ty này ở phần diện tích ngoài diện tích được phê duyệt xây dựng nhà ở xã hội. Thế nhưng, thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn VIDEC liên tiếp phải đi “giải trình” với cơ quan chức năng và truyền thông bởi thông tin “ăn bớt” diện tích nhà ở xã hội để xây dựng biệt thự, liền kề và bán với giá thương mại, hưởng ưu đãi “khủng” từ chính sách đầu tư nhà ở xã hội.
Tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay cho thấy, có sự nhầm lẫn tai hại này xuất phát từ chính...tên gọi của dự án.
Cụ thể, dự án có tên gọi là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng bản chất không phải 100% sản phẩm của dự án là nhà ở cho người thu nhập thấp mà còn có phần lớn diện tích nhà ở thương mại. “Tên gọi pháp lý của dự án là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp thực tế chỉ là cách đặt tên để định hướng sản phẩm theo phân khúc phù hợp với thu nhập của địa phương, nhưng vì tên gọi này, chúng tôi bị hiểu nhầm toàn bộ dự án là diện tích làm nhà ở thu nhập thấp”, đại diện VIDEC chia sẻ.
Cũng bởi cách gọi tên “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” này mà những nghi vấn chủ đầu tư dự án The Diamond Park “ăn bớt” nhà ở xã hội để xây biệt thự, liền kề trở thành vấn đề nóng hổi, khiến Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến, yêu cầu thanh tra dự án này. Còn Sở Xây dựng Hà Nội, mới đây cũng đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó có lưu ý điều chỉnh tên dự án để tránh gây hiểu lầm, bức xúc trong nhân dân.
Phối cảnh tổng thể dự án The Diamond Park Mê Linh |
Muốn nhanh cũng không...nhanh được
Không chỉ gặp rắc rối vì tên dự án gây nhầm lẫn nghiêm trọng, chủ đầu tư dự án The Diamond Park còn khốn khổ vì nghi án...chần chừ không chịu xây nhà ở xã hội, chỉ “chăm chăm” xây biệt thự, liền kề bán với giá thương mại.
Trước thông tin này, đại diện chủ đầu tư “dập đầu kêu khổ” bởi “muốn nhanh lắm mà không nhanh được”.
Hồ sơ dự án cho thấy, UBND huyện Mê Linh phê duyệt dự án này từ năm 2008. Tuy nhiên, sau khi huyện Mê Linh sáp nhập vào TP Hà Nội, dự án này cùng gần 50 dự án khác trên địa bàn đều rơi vào trạng thái “ngưng, chờ quy hoạch”. Việc bàn giao địa giới hành chính và điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực Mê Linh kéo dài tới ...9 năm (từ tháng 7/2008 đến tháng 3/2017).
Mãi tới ngày 15/3/2017, UBND thành phố Hà Nội mới có Quyết định số 1739/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án The Diamond Park.
“Ngay khi được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chúng tôi đã nỗ lực triển khai, hoàn thiện phần kết cấu hạ tầng dự án The Diamond Park, đang xây nhà mẫu và chuẩn bị đầu tư xây dựng khu nhà ở cho người thu nhập thấp. Chúng tôi thực lòng mong muốn sớm triển khi thi công khu nhà ở cho người thu nhập thấp để thu hút dân cư về sinh sống chứ không chây ỳ vì ai cũng có thể nhìn thấy, BĐS khu vực Mê Linh chưa sôi động, trị giá còn thấp do chưa thu hút được người dân về sinh sống. Việc đưa các toà chung cư thu nhập thấp vào sử dụng sẽ là “lực đẩy” khiến bất động sản trong vùng sôi động hơn”, ông Nguyễn Quốc Dũng, PTGĐ Công ty CP Tập đoàn VIDEC chia sẻ.
Được biết, hiện Công ty CP Tập đoàn VIDEC vẫn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý tiếp theo của dự án. Đặc biệt, để phục vụ tốt hơn nhu cầu, theo đề nghị của phần lớn nhân dân thôn Do Thượng cũng như sự đồng thuận của cấp chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án đã có văn bản số 178/CV-ĐTDA ngày 27/6/2018 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc xin điều chỉnh cục bộ của dự án (hoán đổi vị trí một số khu đất trong dự án để bán kính phục vụ nhu cầu của nhân dân được tốt hơn).
“Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang thẩm định hồ sơ xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án của Công ty theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngay sau khi dự án được UBND thành phố chấp thuận việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch của dự án, Công ty chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 6116/VP-ĐT ngày 09/8/2018, thúc đẩy tiến độ dự án để sớm bàn giao, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu vực”, ông Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng thông tin thêm, phần biệt thự, nhà liền kề, chủ đâu tư cũng mới chỉ làm xong cọc và móng, chưa xây dựng xong căn nào. Số lô biệt thự, nhà liền kề chủ đầu tư đưa vào kinh doanh đã có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định của pháp luật.
Trên địa bàn huyện Mê Linh hiện có 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445 ha thì cả 47 dự án đều chậm tiến độ. Trong đó, 15 dự án đã có chủ trương nhưng chủ đầu tư không triển khai đầu tư, 14 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chậm hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng, 18 dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng.
Các dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó trước hết chủ yếu do thị trường bất động sản khu vực không thuận lợi. Thứ hai do các dự án thuộc giai đoạn sáp nhập từ Vĩnh Phúc về Hà Nội nên có thời gian phải dừng triển khai do sau là quy hoạch phân khu, về giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và các chính sách liên quan khác nhau tăng lên so với giá của Vĩnh Phúc. Một số tuyến đường kết nối các dự án đô thị theo quy hoạch cũng phải điều chỉnh, việc triển khai còn chậm…
Những yếu tố này gây khó khăn cho công tác GPMB, hạn chế một phần tính hấp dẫn của các khu đô thị trên địa bàn.
(Trích báo cáo của UBND huyện Mê Linh theo chuyên đề kiểm tra, giám sát công tác quản lý đất đai của HĐND thành phố Hà Nội)