Liên quan đến thông tin thời gian qua tình trạng ô nhiễm không khí có những thời điểm tới mức “khó thở,” chiều 8/6, đại diện Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cần phải có biện pháp khẩn cấp, xử lý khẩn cấp.
Đó cũng là một trong những điểm mới của dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), thể hiện mục tiêu xuyên suốt, cao nhất là bảo vệ các thành phần môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, coi sức khỏe của người dân là hàng đầu.
Thông tin thêm về những quy định mới để giải quyết các vấn đề bất cập, khó khăn trong lĩnh vực quản lý chất lượng môi trường không khí, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết Luật bảo vệ môi trường 2014 mới chỉ có quy định chung chung về quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải.
Do vậy, việc xác định được nguồn thải gây ô nhiễm vẫn rất khó khăn. Đơn cử như năm 2019, trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra một số đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, tuy nhiên việc kiểm kê các nguồn phát thải để xác định các giải pháp ưu tiên vẫn chưa thực hiện được.
Chính vì thế, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng quy định, phân công rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí. Theo đó, Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Về phía các địa phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.
Tuy nhiên, ông Nam cũng lưu ý, dự thảo luật mới chỉ quy định về thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp khi chất lượng không khí ô nhiễm tới mức nguy hại.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, những biện pháp như hạn chế ôtô, xe máy, ngăn chặn đốt chất thải, rơm rạ đều là biện pháp giảm ô nhiễm không khí. Vì vậy, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu xem nội dung này có thể hiện trong dự thảo luật hay giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định trong Nghị định,” ông Nam nói thêm.
Chia sẻ thêm về việc ban hành tình trạng khẩn cấp do ô nhiễm không khí, phó giáo sư tiến sĩ Nghiêm Trung Dũng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng nên chia ra hai nhóm tình trạng khẩn cấp. Thứ nhất là do sự cố về môi trường, do cháy nổ nhà máy hoá chất. Thứ hai, do các nguồn ô nhiễm kết hợp với hiện tượng khí tượng cực đoan, đẩy nồng độ ô nhiễm ở một khu vực tăng tới mức cực đoan.
Theo đó, "ở mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe, có thể di dời người dân, thậm chí cho học sinh nghỉ học. Tương tự, cần nhận dạng nguồn gây ô nhiễm, khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài đường, thậm chí tạm dừng hoạt động một số cơ sở sản xuất ở khu vực nếu nhận dạng được nguyên nhân,” ông Dũng nêu quan điểm./.