Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã giao các cơ quan chức năng của thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương, chủ động thời gian mở cửa di tích, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng từ ngày 8/3 nhưng “không tổ chức lễ hội”. Quyết định này được đưa ra sau khi Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh, không phát hiện thêm ca nhiễm bệnh mới nào trong thời gian qua.
Đối với chùa Hương, một điểm di tích được người dân thường xuyên lựa chọn trẩy hội vào đầu năm, ngày 5/3, đại diện các sở ban ngành của Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Mỹ Đức để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại chùa Hương và triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện đón khách ngay khi được phép mở cửa trở lại.
Kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại chùa Hương. - Ảnh: Hà Nội Mới |
Trao đổi với PV báo Hà Nội Mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - ông Đặng Văn Cảnh cho biết, để chuẩn bị các điều kiện cho di tích đón khách ngay khi được phép mở cửa trở lại, huyện đã chỉ đạo Ban quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động lễ hội chùa Hương bổ sung, song hành với kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội chùa Hương năm 2021 đã ban hành từ tháng 12-2020.
Kế hoạch nhấn mạnh vào các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, lực lượng địa phương, như: Tổ chức tuần tra, giám sát 24/24 giờ hằng ngày; duy trì tổ, đội nhắc nhở khách tham quan tuân thủ nghiêm thông điệp "5K" của Bộ Y tế cũng như các quy định về phòng, chống dịch; tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm...
“100% du khách, người phục vụ trong không gian di tích phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, được cung cấp khẩu trang miễn phí nếu bị thất lạc khẩu trang... Tại cổng vào di tích, các nhà hàng và nhiều điểm công cộng dễ thấy, sẽ thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng QR code. Bên cạnh đó, Ban quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn vẫn duy trì việc khai báo y tế theo phương thức truyền thống, trước mắt là lấy thông tin của người đại diện nhóm khách tham quan để bảo đảm hiệu quả khoanh vùng các trường hợp liên quan trong trường hợp xuất hiện các ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2”, ông Cảnh thông tin.
Được biết, thời gian qua, Ban quản lý di tích - danh thắng Hương Sơn đã phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, như: Thực hiện đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động bằng pano, áp phích, qua hệ thống truyền thanh, tờ rơi...; tập huấn kiến thức phòng dịch Covid-19 cho các hộ dân làm dịch vụ tại di tích; tổ chức cho các quán ăn, nhà hàng, nhà nghỉ... ký cam kết; lập chốt tại các điểm ra vào di tích, nhắc nhở du khách chấp hành quy định tạm đóng cửa di tích để phòng dịch...
Người dân đến thắp hương tại đền Hùng thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang phòng dịch. - Ảnh: VTC News |
Ghi nhận của PV VTC News, trong thời gian qua, để đảm bảo an toàn cho du khách, Ban Quản lý khu di tích đền Hùng (Phú Thọ) đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch như yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động làm việc tại các đơn vị trong khu di tích phải thực hiện nghiêm quy định 5K. Các điểm thăm quan được bố trí dung dịch sát khuẩn cho du khách. Hệ thống loa truyền thanh thường xuyên thông báo, nhắc nhở du khách thực hiện các quy định về phòng chống dịch.
Tại Quảng Ninh, sau một thời gian tạm dừng các hoạt động du lịch, Quảng Ninh đã thí điểm mở cửa các khu du lịch, các cơ sở tôn giáo để đón khách nội tỉnh từ ngày 2/3, chuẩn bị cho việc mở cửa hoàn toàn đối với du khách trong nước.
Điểm hành hương nổi tiếng ở Quảng Ninh trong dịp đầu năm là khu di tích Yên Tử. Hiện tại, Ban Quản lý khu di tích đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như trang bị máy đo thân nhiệt cho du khách, bố trí dung dịch sát khuẩn, tăng cường thông báo du khách thực hiện các quy định phòng dịch…
Đo thân nhiệt, khai báo y tế tại các cửa ra vào điểm tham quan. - Ảnh: VOV |
Cùng với các điểm nói trên, nhiều điểm du lịch, nhiều cơ sở tín ngưỡng khác trên cả nước cũng đã được chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng mức tốt nhất để đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.