Xây dựng không phép, tổ chức bán... chui?
Quá trình tìm hiểu thông tin cho thấy, dự án TECCO Tower Thanh Trì nằm trên địa bàn xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội) được thiết kế gồm hai khối nhà 31 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 1 nghìn tỉ đồng.
Dự án do Cty CP nền móng Đua FAT, địa chỉ tại số 15 liền kề 10, KĐT Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) thi công; đơn vị tư vấn Giám sát là Cty CP tư vấn đầu tư Tín Minh.
Tuy bị đình chỉ thi công nhưng dự án TECCO Tower Thanh Trì vẫn ngang nhiên hoạt động. Không những thế, dù dự án chưa được cấp phép để thi công nhưng Chủ đầu tư đã tự ý tổ chức khoan cọc nhồi, đưa máy móc vào thi công xây dựng công trình.
Dù chưa được cấp phép xây dựng nhưng Chủ đầu tư dự án này đã rao bán cho khách hàng |
Thông tin từ, Đội Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì cho biết, ngày 10/11/2017, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra dự án, với người đại diện của Chủ đầu tư là ông Nguyễn Chính Duẩn - Phó Giám đốc Cty CP Tổng Cty Đầu tư TECCO - Chi nhánh Hà Nội.
Trong biên bản kiểm tra ghi rõ, hiện trạng kiểm tra thực tế tại công trường ghi nhận công trình đang được thi công 5 cọc thí nghiệm, sử dụng 1 giếng khoan nước ngầm, 6 cần cẩu vận hành bằng bánh xích trên công trường. Ngoài ra, công trường không có biển báo an toàn, không có pano phối cảnh.
Theo biên bản, Đoàn kiểm tra yêu cầu Chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ còn thiếu, liên quan đến thực hiện dự án và có báo cáo giải trình việc thực hiện dự án về Đội Thanh tra xây dựng huyện. Bên cạnh đó, Đội Thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm.
Cụ thể, công trình đã có hành vi tổ chức thi công không có GPXD theo quy định, vi phạm điều c khoản 6, Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ và xử lý theo khoản 2, Điều 12, Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ.
Không chỉ chưa có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư còn tự ý bán chui căn hộ khi ngay trước cửa công trình là sàn giao dịch bất động sản TECCO Hà Nội, rao bán căn hộ rầm rộ với giá từ 14 – 17 triệu đồng/m2.
Bỏ tiền mua chim trời?
Theo quy định hiện nay, để được mở bán dự án chung cư phải có xác nhận của Sở Xây dựng chứng minh dự án đã hoàn thành mọi thủ tục pháp lý. Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư bằng cách này hay cách khác vẫn tìm cách bán chui bằng các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng giữ chỗ.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu dự án sau đó được triển khai xây dựng suôn sẻ nhưng trên thị trường, nhiều bài học cho thấy khách hàng gặp rất nhiều rủi ro nếu dự án không thể triển khai.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) thừa nhận rất nhiều dự án đã và đang khiến người dân sợ hãi vì chủ doanh nghiệp vi phạm, bán nhà trên giấy khi dự án chưa được cấp phép, vốn huy động của khách hàng, chủ đầu tư không sử dụng đúng mục đích; tiến độ dự án bị kéo dài gây bức xúc dư luận.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam |
Song Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, chỉ những người quá ngây ngô, không chịu tìm hiểu luật mới rơi vào tình trạng này. Bởi hiện nay, việc bán nhà trong tương lai đã được siết rất chặt, nhằm đảm bảo an toàn lợi ích cho người dân.
Theo đó, việc bán nhà ở hình thành trong tương lai phải qua hai cửa. Thứ nhất, theo điều luật quy định, trước khi bán, các đơn vị phải có giấy phép của Sở xây dựng.
Quy định này áp dụng cả cho trường hợp nhà đã hình thành rồi. Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn phải trình ra quyền sử dụng, các văn bản pháp lý đã được phê duyệt như văn bản xác nhận hình thành móng, tiêu chuẩn an ninh, cứu hỏa, độ cao….
Thứ hai, các đơn vị cung cấp sản phẩm phải có giấy bảo lãnh của ngân hàng. Trong trường hợp mà chủ đầu tư gặp rủi ro như mất khả năng chi trả, không đủ khả năng hoàn thành hoàn thiện đúng tiến độ... ngân hàng sẽ là đơn vị trả tiền cho người mua.
Ông Nam cũng khuyên người dân trước khi mua nhà nên tìm hiểu rõ luật. Bên cạnh đó, cần thiết thông qua các công ty môi giới, sàn giao dịch và kênh tham khảo người thân, bạn bè cũng là phương án tốt, tránh rủi ro.
Đứng ở góc độ luật pháp, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình - Công ty Luật Bảo Ngọc cho biết nhiều khách hàng vì muốn được sở hữu, sử dụng nhà, đất phù hợp với khả năng thanh toán của mình và không quan tâm nhiều đến các yếu tố pháp lý cần thiết nên đã đồng ý ký kết hợp đồng đặt cọc. Do đó, cả người mua lẫn chủ đầu tư vẫn có thể gặp những rủi ro như mất tiền mà không được nhận nhà hoặc phải đợi rất lâu mới được nhận nhà. Chủ đầu tư cũng có thể bị phá sản và mất uy tín khi xảy ra tranh chấp…
Do vậy khách hàng cần tìm hiểu thông tin, xem xét thật kỹ càng các điều kiện về nhà ở. Nếu nhà ở đã đủ điều kiện mua, bán thì hãy thực hiện thủ tục mua bán theo đúng quy định của pháp luật để tránh những rủi ro có thể phải gặp phải./.