Cấm du khách mang đồ nhựa một lần ra đảo
Bắt đầu từ tháng 5, tất cả khách du lịch sẽ không được mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra các xã đảo của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), bao gồm 5 xã đảo: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen. Đây là hành động cụ thể hóa thực hiện kế hoạch số 1299/KH-UBND ngày 24/4/2024 của UBND huyện Vân Đồn về giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn. Du khách và người dân được hỗ trợ sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon.
Cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên (Cái Rồng) và 6 bến cảng tại 5 xã đảo đồng loạt lắp đặt các pano, áp phích với chủ đề: “Không mang rác thải nhựa ra đảo”, tuyên truyền vận động du khách để lại rác thải nhựa (chai lọ, cốc, túi nilon) ngay tại khu vực tập kết tại các cổng ra, vào xuất bến ra đảo.
Chương trình “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” được huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh triển khai ngay từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 nhằm tuyên truyền sâu rộng tới người dân, du khách, giúp nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa; vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một ngành du lịch xanh, bền vững.
Để chương trình được triển khai sâu rộng, có hiệu quả bền vững, lâu dài, huyện Vân Đồn huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm mới, nhân rộng nhiều mô hình, cách làm hiệu quả; phát huy vai trò của các tổ chức hội, hội du lịch, kinh doanh vận tải và cộng đồng doanh nghiệp trong đảm bảo môi trường sống, môi trường du lịch xanh.
Thời gian tới, huyện Vân Đồn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa; giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong tổ chức hoạt động của các đơn vị; giảm thiểu nguồn rác thải nhựa từ các hoạt động du lịch dịch vụ; đẩy mạnh thu gom, tái chế chất thải nhựa.
Vân Đồn phấn đấu đến năm 2025 giảm thiểu 50% lượng rác thải nhựa trên địa bàn các xã Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen; đến năm 2030 không có rác thải nhựa trên địa bàn các xã đảo.
Trước đó, hồi tháng 9/2023, huyện đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh cũng cấm du khách mang các sản phẩm nhựa dùng một lần ra huyện đảo. Thống kê của huyện Cô Tô cho thấy, mỗi năm huyện đảo đón từ 6.000-8.000 khách du lịch. Trước khi áp dụng thí điểm không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, vào những ngày cao điểm mùa du lịch, công ty môi trường phải thu gom lượng rác thải rất lớn, từ 15-17 tấn rác/ngày, tạo thành áp lực và gánh nặng cho môi trường huyện đảo, nhất là đối với các loại rác thải lâu phân hủy. Vì thế, huyện đảo Cô Tô đã có những động thái mạnh mẽ bắt đầu từ ngày 15/9/2023, tại các cầu cảng có hai tổ kiểm soát không cho du khách mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần cũng như vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo.
Làn sóng tích cực lan khắp ba miền
Từ những bước đi tích cực của hai huyện đảo tỉnh Quảng Ninh, nhiều khu du lịch khác cũng bắt đầu nói không với rác thải nhựa.
Du khách đến Côn Đảo (Bà Rịa, Vũng Tàu) có thể dễ dàng chứng kiến nhiều nỗ lực không mệt mỏi của người dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn màu xanh cho biển. Rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, khu du lịch, di tích và ngay cả vườn quốc gia cũng chung tay cấm đồ nhựa sử dụng một lần.
Hai năm nay, Côn Đảo không thiếu những bảng thông báo được dán khắp nơi nhắc nhở du khách nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Anh Nguyễn Văn Ngọc, Thanh Xuân, Hà Nội kể lại: “Khi chúng tôi mua vé vào tham quan vườn quốc gia ở Côn Đảo, tôi có hỏi nhân viên muốn mua một chai nước suối nhưng đội ngũ kiểm lâm nhắc nhở không bán các loại nước chai nhựa dùng một lần, nếu tôi cần, họ có thể cho mượn bình nước và lấy nước miễn phí tại quầy để đi dọc đường với điều kiện cọc khoảng 200 nghìn đồng, khi nào trả bình thì kiểm lâm sẽ gửi lại tiền. Ngay cả khi vào thăm nghĩa trang, nếu bảo vệ thấy du khách mang chai nước suối, họ sẽ bắt bỏ ra để tránh quăng rác bừa bãi. Đó là những hành động thiết thực để giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp”.
Tương tự, với mục tiêu xây dựng đô thị Huế với đặc trưng “Di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đẩy mạnh các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch từ cuối năm 2023. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2024, tỉ lệ khách sạn 3-5 sao không sử dụng đồ nhựa một lần tại TP.Huế là 50%, và năm 2025 là 80%. Mục tiêu đề rõ, đến năm 2025, sẽ có 100% quản lý khách sạn, đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch và 90% hướng dẫn viên được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa và chương trình giảm rác thải nhựa của quốc gia và địa phương. 100% đơn vị lữ hành và dịch vụ vận chuyển khách du lịch, điểm du lịch có cam kết giảm rác thải nhựa và triển khai ít nhất một biện pháp hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Những hành động ngày càng mạnh mẽ của các ban quản lý khu du lịch trên khắp cả nước cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của ngành du lịch Việt Nam trong việc giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa ra môi trường, bảo vệ môi trường trước những nguy cơ của ô nhiễm và biến đổi khí hậu.