Cơ hội để thay đổi mô hình phát triển kinh tế
Hội nghị COP26 là sự kiện quốc tế lớn, quan trọng hàng đầu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thu hút sự tham gia của gần 200 quốc gia thành viên trong đó có 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước cùng khoảng 36 ngàn đại biểu. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị mang nhiều ý nghĩa quan trọng và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Việt Nam coi COP26 là một cái thời cơ để thay đổi mô hình phát triển kinh tế, chuyển ý thức hệ từ phát triển không bền vững dựa vào tài nguyên sang phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn. Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng và ấn tượng như Chủ tịch COP26 đã nói, bài phát biểu Thủ tướng Việt Nam cam kết hết sức mạnh mẽ nhưng rất thực tiễn.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến trách nhiệm, đạo đức trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời nhấn mạnh đến bối cảnh mà đàm phán còn rất nhiều khó khăn giữa các nước phát triển, giữa các nước đang phát triển trong việc đặt ra mục tiêu và kỳ vọng cao hơn và phải có những thay đổi rất lớn hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, Việt Nam, trong đó có ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt thời cơ này để kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn đang có hướng tìm đến Việt Nam để hỗ trợ những gói tài chính, hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật, chuyển giao những sáng kiến mà các quốc gia khác đã làm thành công trong lĩnh vực nông nghiệp để chuyển hóa thành chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Việt Nam sẽ thực hiện đúng nghĩa là một thành viên có trách nhiệm và ngành nông nghiệp cũng chứng minh rằng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển dựa trên trách nhiệm, minh bạch và bền vững.
Khẳng định vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế
Đáng chú ý, nhân dịp tham dự COP26, Thủ tướng Chính phủ và đoàn Việt Nam đã có hơn 20 cuộc gặp, tiếp xúc song phương với lãnh đạo cấp cao các nước ở tất cả các châu lục để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các đối tác, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần tích cực củng cố cục diện đối ngoại vững chắc và thuận lợi để giữ vững hoà bình, ổn định và phát triển đất nước.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, điều toát lên khi lãnh đạo các nước trao đổi với Thủ tướng Việt Nam là tình cảm dành cho Việt Nam. Lãnh đạo các nước rất khâm phục trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên rất lớn.
Qua những cuộc trao đổi, bạn bè quốc tế thực sự coi trọng về vị trí của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam với vai trò không phải là chỉ là một thành viên chủ động, tích cực của ASEAN, mà còn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với những thông điệp mạnh mẽ củaViệt Nam đưa ra trong hội nghị, đặc biệt là khi tiếp xúc với Thủ tướng Chính phủ được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá rất cao.
Cùng với những thành công vang dội tại COP26, chuyến thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, kết quả thực chất và có ý nghĩa chiến lược.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, nhìn tổng thể, chuyến thăm lần này mang lại những ý nghĩa, kết quả rất toàn diện cả về song phương giữa Việt Nam với Anh, giữa Việt Nam với Pháp và cả về đa phương; thể hiện được trách nhiệm lớn của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và qua đó cũng tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế trong công cuộc chuyển đổi năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời cũng đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển không chỉ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương mà cả trên thế giới.
Sức hút đầu tư, thương mại của Việt Nam
Trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư của chuyến công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thoả thuận, tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD. Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ có gần 40 cuộc tiếp xúc, trao đổi với hơn 60 lãnh đạo các tập đoàn, ngân hàng, trường đại học hàng đầu của Anh, Pháp và châu Âu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, ấn tượng nhất trong chuyến thăm và làm việc tại Anh và Pháp trong lĩnh vực thương mại là sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với Việt Nam. Theo đó, có gần 70 nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế lớn ở hầu hết các lĩnh vực đã tìm gặp Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. Có thể nói từ sáng sớm cho đến tối khuya, các doanh nghiệp vẫn xếp hàng để gặp gỡ, bày tỏ ý tưởng và đề xuất với Chính phủ, với các bộ, ngành về những dự án mà họ sẽ dự kiến triển khai.
Đây là những động thái cho thấy rằng là các nhà đầu tư ở châu Âu nói chung, Anh và Pháp nói riêng rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và rất quan tâm đến Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam với Vương quốc Anh cũng như Việt Nam với Liên minh châu Âu sẽ triển khai thực hiện tới đây.
Kiều bào là bộ phận khổng thể tách rời
Đặc biệt, với tinh thần triển khai Kết luận 12 của Bộ chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thủ tướng đã có cuộc gặp với gần 100 kiều bào Anh, Ai len và hơn 200 đại diện kiều bào tiêu biểu Pháp, châu Âu, thông báo với bà con tình hình mọi mặt của đất nước, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Với chương trình làm việc dày đặc, tiếp xúc trên cả kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quốc hội, bạn bè và kiều bào, chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao đã thành công rất tốt đẹp, đạt kết quả toàn diện, thực chất và cụ thể, hiện thực hoá đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng 13 đề ra là độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.