Chuyện gì đang xảy ra tại Bạc Liêu: Trồng rừng rừng chết, chuyển cơ quan điều tra hàng loạt hồ sơ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thời gian qua, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu liên tục phát hiện hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý chuyên môn, sử dụng ngân sách nhà nước… tại nhiều huyện, thị xã, thành phố cùng các Sở, Ban, Ngành trên địa bàn tỉnh; đồng thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu tội phạm của nhiều đơn vị liên quan.

Trồng rừng ngập mặn chỉ 30% sống sót

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập năm 2016 trực thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu, được giao làm chủ đầu tư nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách, vốn nhà nước ngoài ngân sách…. Kết luận Thanh tra vừa được công bố mới đây chỉ ra nhiều vấn đề tại đơn vị này trong công tác thu, chi tài chính, quản lý đầu tư xây dựng và mua sắm công từ năm 2019-2022.

Trong đó, Dự án Gây bồi tạo bãi và trồng cây chống xói lở khu vực biển Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) được phê duyệt chủ trương năm 2015 (thời gian thực hiện ban đầu từ 2015 - 2019), do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) làm chủ đầu tư, sau đó chuyển về Ban Quản lý dự án NN&PTNT. Dự án gần 93 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 76 tỷ đồng và các chi phí khác, bao gồm nhiều hạng mục, như: Xây dựng tường mềm giảm sóng, trồng rừng ngập mặn, xây dựng kè giảm sóng gây bồi bằng cọc bê tông ly tâm cách bờ trung bình 180m….

Chuyện gì đang xảy ra tại Bạc Liêu: Trồng rừng rừng chết, chuyển cơ quan điều tra hàng loạt hồ sơ ảnh 1

Một góc dự án - Ảnh: Báo Bạc Liêu

Công trình được chia thành nhiều gói thầu, trong đó gói thầu số 9 (Thi công tường mềm giảm sóng và trồng rừng từ lô số 9 đến lô số 12) có giá trị gần 19 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng và Sinh thái Thủy lợi (Công ty Sinh thái Thủy lợi) đảm nhận. Dự án khởi công cuối năm 2015 tại khu vực biển Nhà Mát (TP.Bạc Liêu). Đến năm 2018, Ban Quản lý có báo cáo cho thấy đơn vị trúng thầu đã thi công hơn 3,3km Tường mềm và trồng 42,3ha/42,3ha rừng, tỷ lệ cây sống đạt khoảng 50% (cây chậm phát triển và còi cọc). Ban Quản lý kiến nghị tỉnh cho phép điều chỉnh diện tích trồng rừng sang vị trí khác và cho phép được thanh toán khối lượng tường mềm đã thi công.

Theo Thanh tra, nhà thầu sử dụng vật liệu bằng tre để làm tường mềm giảm sóng có tuổi thọ chỉ 2 năm không phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kỹ thuật trồng rừng 6 loại cây ngập mặn. Hiện trạng tường mềm đã hư hỏng, không xác định được kết cấu, không đo đạc được chiều dài. Hạng mục không đảm bảo mục tiêu ban đầu của dự án nhưng Ban Quản lý tiến hành nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng và thanh toán khối lượng thi công cho Công ty Sinh thái Thủy lợi số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

Hạng mục Kè giảm sóng gây bồi bằng cọc bê tông ly tâm không kiểm tra các khối lượng chìm, khuất, không xác định quy cách, tiêu chuẩn các loại vật tư đã sử dụng. Dự án được triển khai tại khu vực biển Nhà Mát có tỷ lệ rừng trồng bị chết, hao hụt nhiều, không mang lại hiệu quả đầu tư, phải điều chỉnh vị trí từ TP.Bạc Liêu về xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải. Do đó, chi phí nhiều gói thầu khác khoảng 2,5 tỷ đồng đã được triển khai thực hiện, nghiệm thu, bàn giao và quyết toán hoàn thành nhưng không được phục vụ cho dự án tại địa điểm xây dựng mới.

Sau khi được chuyển về xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Ban Quản lý dự án NN&PTNT và đơn vị thi công nhiều lần ký Phụ lục hợp đồng điều chỉnh một số nội dung; trong đó tăng giá trị gói thầu số 9 từ khoảng 19 tỷ đồng lên hơn 51 tỷ đồng; chuyển diện tích 42,3ha rừng gặp mặn về đây trồng bù, bổ sung hạng mục Kè giảm sóng gây bồi bằng cọc ly tâm hơn 34 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành kéo dài đến cuối năm 2020 (hết thời gian bảo hành năm 2022).

Tuy nhiên, một loạt vấn đề lại được Thanh tra tỉnh chỉ ra tại địa điểm xây dựng mới. Hạng mục Trồng bù rừng ngập mặn với diện tích 42,3ha được Ban Quản lý nghiệm thu kết thúc công trình lâm sinh vào ngày 25/8/2020 (chưa đảm bảo thời gian chăm sóc bảo vệ tương đương 28 tháng) và bàn giao hạng mục công trình trồng rừng phòng hộ trên diện tích bãi bồi ven biển cho các đơn vị liên quan vào ngày 26/10/2020 khi gói thầu còn trong thời gian chăm sóc bảo vệ và bảo hành).

Hạng mục phát sinh Kè giảm sóng gây bồi bằng cọc bê tông ly tâm trị giá hơn 34 tỷ đồng không đảm bảo tính chất, quy mô tương tự của gói thầu đang thực hiện nhưng Ban Quản lý không có hồ sơ chứng minh điều kiện năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.

Chuyện gì đang xảy ra tại Bạc Liêu: Trồng rừng rừng chết, chuyển cơ quan điều tra hàng loạt hồ sơ ảnh 2

Một phần kết luận sai phạm tại dự án này.

Tại gói thầu số 10 (Thi công tường mềm giảm sóng và trồng rừng từ lô số 01 đến lô số 09) của dự án có giá trị hơn 64 tỷ đồng do Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 8 - Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát thực hiện. Thời gian thi công là 1 năm, 3 năm chăm sóc và 2 năm bảo hành. Khối lượng công việc gồm: Xây dựng tường mềm giảm sóng với chiều dài 9km; Trồng rừng ngập mặn với diện tích 159,1ha. Dự án khởi công năm 2017.

Cũng tương tự như gói thầu số 9, gói thầu 10 ban đầu cũng triển khai tại khu vực biển Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) nhưng sau đó được Ban Quản lý nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu thi công khi chưa hoàn tất với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Theo đó, nhà thầu chỉ mới thi công 1,6km/9km tường mềm và trồng 8ha/159,1ha rừng, tỷ lệ sống rất thấp khoảng 30%.

Khi chuyển địa điểm về xã Long Điền Đông, huyện Long Hải, Ban Quản lý và đơn vị thi công 4 lần ký phụ lục điều chỉnh một số nội dung; trong đó giá trị hợp đồng từ gần 64 tỷ đồng giảm xuống còn hơn 25,5 tỷ đồng, tường mềm giảm sóng từ dài 9km còn 4,7km (đã thi công 1,6km ở vị trí cũ nên thi công tiếp hơn 3km tại địa điểm mới), trồng rừng ngập mặn từ 159,1ha giảm xuống còn 60ha (trồng bù 8ha và trồng mới 52ha).

Các sai phạm tại gói thầu 10 được Thanh tra nêu rõ, hạng mục tường mềm giảm sóng dài 4,7km sử dụng vật liệu cọc tre tại khu vực cũ và mới, hiện trạng đã hư hỏng, không xác định được kết cấu, không đo đạc được chiều dài. Hạng mục trồng rừng 60ha hiện trạng còn lại là 26,3ha/60ha, diện tích rừng hao hụt là 33,7ha, tương ứng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Gói thầu cũng không đảm bảo thời gian thực hiện và bàn giao khi còn trong thời gian chăm sóc, bảo vệ rừng…. Thanh tra tỉnh kết luận, đối với các nội dung sai phạm tại dự án tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.

Tạm ứng cho nhà thầu tới 79,7% giá trị

Dự án Khẩn cấp để xử lý hố xói và gia cố lòng sông thuộc phạm vi công trình cảng cá Gành Hào có tổng mức đầu tư trên 52 tỷ đồng được thống nhất chủ trương vào tháng 11/2021. Ban Quản lý làm chủ đầu tư, chỉ định thầu rút gọn gói thầu chính hơn 48 tỷ đồng cho Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Giang - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Phan Hiền (Liên danh Hoàng Giang - Phan Hiền).

Chuyện gì đang xảy ra tại Bạc Liêu: Trồng rừng rừng chết, chuyển cơ quan điều tra hàng loạt hồ sơ ảnh 3

Chủ đầu tư ứng tới 79,7% giá trị cho nhà thầu nhưng dự án vẫn chưa xong.

Qua đối chiếu hồ sơ, Thanh tra Bạc Liêu phát hiện Công ty Phan Hiền không chứng minh được năng lực kỹ thuật như: nhân sự chủ chốt, máy móc, thiết bị, giải pháp thi công nhưng Ban Quản lý không yêu cầu làm rõ, chưa có biện pháp xác minh, không phát hiện doanh nghiệp này cung cấp thông tin không trung thực.

Chủ đầu tư nhiều lần ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh tỷ lệ tạm ứng cho nhà thầu lên tới 79,7% (tỷ lệ vượt 50%) và điều chỉnh thời gian thực hiện đến cuối năm 2022. Sau khi tỉnh có văn bản chấp thuận gia hạn thời gian dự án đến hết năm 2023, Ban Quản lý ký tiếp phụ lục điều chỉnh với nhà thầu, đồng thời giảm giá trị hợp đồng từ hơn 48 tỷ đồng xuống còn 42,6 tỷ đồng.

Mặc dù tạm ứng vượt đến 50% giá trị hợp đồng để đẩy nhanh tiến độ nhưng dự án vẫn thi công chậm trễ, tính đến thời điểm hết thời gian gia hạn lần 1 (ngày 31/12/2022), tiến độ chỉ đạt 30% giá trị, đến tháng 8/2023 đạt 51,6% và tiếp tục kéo dài đến 31/12/2023. Giá trị thanh toán cho nhà thầu là hơn 25 tỷ đồng. Theo Thanh tra tỉnh, thời gian tạm ứng của dự án hơn 2 năm mà công trình vẫn chưa hoàn thành.

Kết luận cũng nhắc lại sự cố sạt lở tại địa điểm xây dựng dự án vào tháng 2/2019 nhưng mãi đến tháng 7/2021, các đơn vị mới thực hiện quy trình, thủ tục, tham mưu ban hành pháp lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, việc này bị kết luận chưa kịp thời. Tiếp đó, năm 2020 và 2021 cũng xảy ra sạt lở tại khu vực trạm xử lý nước thải của dự án. Chịu trách nhiệm chính cho những thiếu sót, sai phạm trên thuộc về Giám đốc Sở NN&PTNT, Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT cùng nhiều cá nhân khác.

Chuyển cơ quan điều tra hàng loạt sai phạm

Vừa qua, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu cũng phát hiện nhiều sai phạm tại Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) và Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh. Những vấn đề này được nêu tại Kết luận Thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong thực hiện Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại Sở; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và công tác quản lý, sử dụng tài chính tại Văn phòng và các chi nhánh trực thuộc (giai đoạn 2016 – 2020).

Chuyện gì đang xảy ra tại Bạc Liêu: Trồng rừng rừng chết, chuyển cơ quan điều tra hàng loạt hồ sơ ảnh 4

Thanh tra phát hiện hàng loạt sai phạm tại Sở TNMT và các đơn vị liên quan.

Theo đó, dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 221,4 tỷ đồng và phê duyệt dự án tổng thể (điều chỉnh) hơn 361,2 tỷ đồng…. Qua thanh tra phát hiện tồn đọng số lượng Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất chưa trao cho người dân được cấp là hơn gần 92.000 giấy tại Thị xã Giá Rai, huyện Hồng Dân và huyện Phước Long.

Bên cạnh đó, công tác kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận tại huyện Vĩnh Lợi còn chậm, có dấu hiệu nghiệm thu, thanh toán trước khối lượng khi sản phẩm chưa hoàn thành… Chủ đầu tư đã nghiệm thu thanh toán hơn 3.400 hồ sơ với giá trị thanh toán hơn 1,1 tỷ đồng, có dấu hiệu thanh toán trước khối lượng xảy ra tại huyện Hòa Bình…

Trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức, thanh tra phát hiện có 9 hồ sơ nhận chuyển nhượng của dự án kinh doanh bất động sản không cùng ngành nghề kinh doanh, sai quy định; có 6 hồ sơ nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân có hạn chế, thiếu sót như: Chi nhánh Công ty MTV Xăng dầu Tây Nam bộ - Bạc Liêu, Quỹ tín dụng nhân dân xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hoà Bình), Công ty TNHH Thọ Hoàng Thanh…. Và một loạt các sai phạm khác ở nhiều địa phương.

Thanh tra công tác quản lý, sử dụng tài chính tại Sở TNMT cho thấy, việc thu phí đo đạc tại các địa bàn TP.Bạc Liêu, Thị xã Giá Rai, huyện Đông Hải,…. vi phạm pháp luật với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền trên.

Bên cạnh đó, kết luận cũng chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc xác định vị trí, giá đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư; thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa… tại các địa phương với tổng số tiền kiến nghị thu hồi nộp ngân sách và chuyển trả cho người sử dụng là hơn 19,5 tỷ đồng; trong đó, thu hồi số tiền hơn 12 tỷ đồng…

Cơ quan thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, gồm: Sai phạm của Sở TNMT, VPĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh trực thuộc trong việc thu phí đo đạc; Sai phạm của Sở TNMT và UBND Thị xã Giá Rai tại hồ sơ Công ty TNHH Thọ Hoàng Thanh; Sai phạm của UBND TP.Bạc Liêu và các tổ chức, cá nhân cho ghi nợ tiền sử dụng đất tràn lan gây thất thoát tài sản, ngân sách và sai phạm của UBND Thị xã Giá Rai có dấu hiệu cấu kết giữa công chức Phòng TNMT, chi nhánh VPĐKĐĐ, UBND xã Phong Thạnh A để lập các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng…

Thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm với Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách Sở TNMT và các cá nhân có liên quan; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP.Bạc Liêu; Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách UBND Thị xã Giá Rai cùng các huyện Đông Hải, huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hòa Bình và các cá nhân có liên quan….

TIN LIÊN QUAN
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
(Ngày Nay) - Ngày 17/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp công bố Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”.
Tại Nhật Bản, ước tính hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trên khắp cả nước.
Nhật Bản: Tương lai bấp bênh của các làng nghề truyền thống
(Ngày Nay) - Nhật Bản hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng. Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng nhiều làng nghề truyền thống của xứ sở mặt trời mọc sẽ vĩnh viễn bị “xoá sổ”.