Chuyên gia Ấn Độ tiếp tục giúp Việt Nam trùng tu 'Thánh địa Mỹ Sơn'

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQL Mỹ Sơn) cho biết đã chính thức khởi động tiếp tục trùng tu nhóm tháp A thuộc Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di sản Thế giới Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ.
Chuyên gia Ấn Độ tiếp tục giúp Việt Nam trùng tu 'Thánh địa Mỹ Sơn'

Các chuyên gia Ấn Độ sau khi nhập cảnh đã thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định. Sau khi hoàn thành thời gian cách ly, các chuyên gia này đã đến Mỹ Sơn và bắt tay khảo sát hiện trạng di tích, đồng thời đã có cuộc trao đổi, thảo luận các nội dung chuyên môn liên quan công tác trùng tu với đại diện lãnh đạo BQL Mỹ Sơn.

Dự án sẽ thực hiện mục tiêu hoàn thành trùng tu 3 ngôi tháp A1, A12, A13 thuộc nhóm tháp A tại Khu đền tháp Mỹ Sơn trong năm nay. Được biết, ban đầu dự án này dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2020, nhưng sau đó đã gia hạn đến năm 2021.

Những năm trước, dự án đã trùng tu các tháp A8, A11, A10 để rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả, quy trình từ đó đưa ra phương án trùng tu hiệu quả cho tháp A1, A12, A13.

Theo đó, sẽ triển khai trùng tu theo phương pháp khảo cổ học như đã thực hiện trước đó ở tháp A10, khu tháp H, K. Phương pháp này sẽ bảo vệ tối đa yếu tố gốc, tái định vị thành phần kiến trúc đã bị xô lệch, tách rời kiến trúc khi có đủ cơ sở dữ liệu, không chủ trương làm mới, không sử dụng vật liệu mới thiếu tính tương thích, mọi chi tiết phải đảm bảo tính chân sát cao.

Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Mỹ Sơn cho biết, trong năm thứ 5 này, theo kế hoạch gửi Bộ VHTTDL dự án sẽ tập trung triển khai công tác trùng tu tại tháp A1. Đây là kiến trúc quan trọng tại khu tháp A vốn được đánh giá là kiệt tác kiến trúc độc đáo nhất ở châu Á và của Mỹ Sơn (có 2 cửa ra vào ở hướng Tây và hướng Đông). Do đó BQL Mỹ Sơn đã lập các bước đánh giá hiện trạng di tích, xác lập căn cứ khoa học, hồ sơ nghiên cứu về di tích phục vụ cho công tác trùng tu.

Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ ký kết theo biên bản ghi nhớ của Chính phủ hai nước Ấn Độ và Việt Nam, triển khai trong 5 năm (2016-2021).

Dự án có kinh phí hơn 60 tỉ đồng, trong đó Ấn Độ tài trợ hơn 50 tỉ đồng, nhằm mục tiêu bảo tồn, tôn tạo 3 Khu tháp A, H, K. Phía Ấn Độ cũng đã cử Cơ quan Nghiên cứu khảo sát, khảo cổ học Ấn Độ (ASI); các chuyên gia của Viện Khảo cổ Ấn Độ tham gia dự án trực tiếp cùng với sự cộng tác của đội ngũ cán bộ, công nhân địa phương lành nghề, có kinh nghiệm trùng tu, tôn tạo các tháp khác ở Mỹ Sơn.

Trong các đợt trùng tu nhóm tháp K, H trước đó, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất, được nhận định là để cho hoàng gia, các chức sắc tôn giáo đi lại trong mỗi dịp vào Khu đền tháp để hành lễ.

Ngoài ra, đã phát hiện được 275 hiện vật đặc sắc, có niên đại khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XII cùng nhiều chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử văn hóa Chăm.

Theo Báo Văn Hóa
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.