Nói về giá nhà ở tại Việt Nam, không ít chuyên gia từng chỉ ra rằng, giá nhà ở quá cao khiến nhiều người dân đặc biệt là người thu nhập thấp khó tiếp cận. Thậm chí, có những dự án nhà ở phù hợp chứ chưa nói tới trung cấp hay cao cấp nhưng giá vẫn cao gấp 8-10 lần tổng thu nhập của 1 hộ gia đình/năm.
Lý giải về nguyên nhân giá nhà ở cao, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, Việt Nam đang áp dụng cơ chế thuế rất thấp thì giá cao, trong khi ngược lại ở các nước như Mỹ sẽ áp mức thuế rất cao nhưng giá thấp.
"Đấy là quy luật của thị trường bất động sản. Ban đầu vì là sở hữu đất đai toàn dân nên Nhà nước không đánh thuế, nhưng đã không đánh thì sau phải nhích lên một chút, đến bây giờ Bộ Tài chính cuống lên tính đánh thuế cao và trở thành áp lực cho người dân, dân không đồng ý. Nếu trưng cầu thì 90% dân sẽ không chịu đánh thuế cao", ông nói.
Ông Võ cho rằng, chính vì nguyên nhân đó nên giá nhà đất tại Việt Nam luôn luôn cao, chi phí cho nhà ở luôn cao.
"Chúng ta đã sai trong việc thiết lập chính sách đất đai, tạo ra chi phí nhà ở cao. Chỉ đến khi đưa thuế đất dần dần lên cao thì giá đất mới xuống thấp, sẽ có cơ hội chi phí đât đai thấp hơn rất nhiều so với trước đây", ông nói.
Vị chuyên gia cũng đề cập tới vấn đề chi phí tài chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao.
"Sự thật mà nói hiện nay ai cũng thấy ở Việt Nam, muốn phát triển nhà ở phải vay thương mại, hiện rất thấp cũng phải 10%/năm rồi trong khi các nước vay đầu tư chỉ 5%, vay cho đối tượng thu nhập thấp còn thấp hơn nữa. Doanh nghiệp Việt Nam phải vay thương mại ngân hàng đầu tư nhà ở là bất lợi lớn", ông nói.
Ông Võ cho hay, chính sách lại không cho thế chấp bất động sản tại các ngân hàng nước ngoài mà chỉ tiếp cận được các ngân hàng có pháp nhân Việt Nam nên khả năng tiếp cận tín dụng lại càng thấp.
"Điều này dẫn đến chi phí vốn lên cực cao để giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của dân. Vay bằng nguồn thương mại 10%/năm như thế khiến nhà ở lên giá cực cao. Trong khi để đầu tư nhà ở phải quay vòng 3-4-5 năm, 5 năm chi phí vốn lên gấp rưỡi rồi thì người thu nhập thấp làm sao chịu được giá nhà", ông nói.
Trả lời câu hỏi chúng ta có thể giải quyết tốt hơn không? Ông Võ cho rằng có thể nếu chính sách cho phép thế chấp bất động sản tại một số tổ chức có pháp nhân nước ngoài có khả năng cho vay lãi suất thấp 2-5% để đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở giá phù hợp
"Từ khi khởi động đến khi hoàn thành chi phí đã lên gấp rưỡi. Chỉ cần mở chính sách cho thế chấp ở nước ngoài. Chính sách này đã được đề xuất từ những 1998 đến nay chưa cho phép vì sợ ngân hàng nước ngoài đến siết nợ rồi ôm đất Việt Nam ra nước ngoài. Trông vào mấy chính sách Nhà nước ưu đãi không giải quyết vấn đề mà phải giải quyết cụ thể thuế đất như nào, vốn như nào?", ông nhấn mạnh.