Chuyện ông thầy kỳ lạ và 'lò' đào tạo VĐV Olympic sau lũy tre làng

[Ngày Nay] - Vũ Thị Trang đã trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam, và đang đứng trước cơ hội lần thứ 2 liên tiếp giành quyền dự tranh Olympic. So với các đồng nghiệp quốc tế, ngôi sao 27 tuổi này có một xuất phát điểm vô cùng kỳ lạ, khi được phát hiện đào luyện từ “lò” đặc biệt phía sau lũy tre làng ở tỉnh miền núi Bắc Giang, của ông thầy tay ngang Phạm Văn Vũ.
HLV Phạm Văn Vũ vẫn miệt mài “truyền lửa” cho các thế hệ VĐV nhí.
HLV Phạm Văn Vũ vẫn miệt mài “truyền lửa” cho các thế hệ VĐV nhí.

30 năm mở “lò” tại gia dạy cầu lông miễn phí

 Cầu lông giờ đã trở thành “đặc sản” của thể thao tỉnh miền núi Bắc Giang, địa phương mà không ai không biết đến “lò thầy Vũ”. Chủ nhân của lò cầu lông ở thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang là ông Phạm Văn Vũ, người có tới 30 năm bền bỉ hun đúc niềm đam mê, thói quen tập luyện, phát triển cầu lông trong thế hệ trẻ ngay tại nhà mình.

Sinh năm 1960, cựu chiến binh Văn Vũ chính là người đầu tiên biết chơi và chơi giỏi cầu lông ở địa phương. Năm 1989, ông đã quyết định mở một sân cầu lông ngay tại nhà mình để đón các cháu đến tập cùng. Thậm chí, dù nhà rất khó khăn song ông còn dốc hết cả số tiền tích lũy được mua vợt, cầu rồi cả giày để mọi người có thể cùng nhau sử dụng.

Số lượng tăng nhanh, sớm đi vào nề nếp, ông Vũ tiếp tục mạnh dạn san vườn, lát gạch làm sân cầu lông. Không ít người lúc ấy bảo “ông này hâm rồi” nhưng ông không quan tâm. Kể từ đó, đều đặn có vài chục em đến đây học, chơi mỗi ngày do ông Vũ trực tiếp hướng dẫn.

Chuyện ông thầy kỳ lạ và 'lò' đào tạo VĐV Olympic sau lũy tre làng ảnh 1

Chỉ xác định tập cho vui, khỏe mạnh song đầu những năm 1990, khi ngành thể thao Bắc Giang gây dựng cầu lông, nghe tiếng tìm về đây để xem sao. Họ bất ngờ về tố chất cùng sự bài bản ban đầu của quân thầy Vũ, rồi chọn luôn được vài em đưa vào lớp năng khiếu. Đáng nói hơn, quân Cầu Chính đều đã phát triển tốt, có người còn sớm vươn lên hàng đầu quốc gia, tiêu biểu như tuyển thủ Vũ Thị Hải Yến. Thật dễ hiểu, các nhà quản lý thể thao tỉnh đã “đặt hàng” luôn ông mở một lớp cầu lông năng khiếu, hình thành một chân rết quan trọng. Các cháu nhỏ tham gia lớp học ông không thu bất cứ loại phí nào, gia đình nào khá giả tự chuẩn bị cầu và vợt cho con em, còn không ông mua vợt và cầu cho các cháu học. Thậm chí, ngoài chuyên môn, ông còn tận tình chỉ dạy cho các cháu bằng cách nêu gương, bằng những câu chuyện cụ thể, thiết thực. Ngày nào ông cũng bỏ ra vài tiếng đồng hồ để dạy toán, rồi giải đáp các thắc mắc về tri thức, văn hóa cho các cháu, với mục tiêu quân Cầu Chính, dù có thành VĐV hay không, vẫn sẽ là những người toàn diện.

Phải tới mấy năm gần đây, tỉnh Bắc Giang mới hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng để ông đào tạo các VĐV tiềm năng cho tỉnh. 

Thầy của hàng chục tuyển thủ quốc gia

“Lò” đào tạo nơi thôn quê của thầy Vũ đã được “nở mày nở mặt” khi Vũ Thị Hải Yến tỏa sáng tại các đấu trường quốc nội, với hàng loạt huy chương các loại, nhiều năm đóng vai chính ở ĐTQG.

Chuyện ông thầy kỳ lạ và 'lò' đào tạo VĐV Olympic sau lũy tre làng ảnh 2

VĐV Vũ Thị Trang cũng trưởng thành từ lò của thầy Vũ.

Cũng chính từ đây, cô em gái ruột của Yến là Vũ Thị Trang đã tiếp bước đúng con đường của chị một cách vô cùng xuất sắc. Cũng như hầu hết trẻ em ở Cầu Chính, Trang mê cầu lông từ nhỏ, mới 7 tuổi đã được cha đưa đến lớp của thầy Vũ xin theo học. Chỉ mất đúng 2 năm, Trang đã được đôn lên tuyến năng khiếu của tỉnh, rồi liên tục có những bước tiến thần tốc. Thêm 3 năm nữa, mới 12 tuổi Trang đã có mặt ở ĐT trẻ QG tập huấn dài hạn tại Đà Nẵng. Đến giờ, ở tuổi 27, chị đã trở thành tay vợt nữ số 1 Việt Nam từng 2 lần đoạt huy chương SEA Games, lọt vào Top 40 thế giới. Bà xã xinh đẹp của tượng đài cầu lông Nguyễn Tiến Minh cũng  đang đứng trước cơ hội lần thứ hai liên tiếp giành quyền dự tranh Olympic.

Một lò cầu lông của thôn có 2 chị em là tuyển thủ quốc gia đã cực kỳ hiếm rồi, song còn thú vị hơn nhiều khi còn có một cặp đôi nữ VĐQG nhà cách nhau chưa đầy cây số. Người thứ nhất vẫn là Vũ Thị Trang, trong khi đối tác lý tưởng chính là cô bạn hàng xóm Nguyễn Thị Sen. Đôi bạn này có hành trình đến với cầu lông giống hệt nhau và luôn bên nhau từ khi khởi nghiệp cho đến khi trở thành trụ cột ĐTQG như hiện tại. Trang và Sen đã giúp Bắc Giang nhiều năm liên tục giữ trọn bộ danh hiệu ở các nội dung thi đấu của nữ tại các giải quốc nội (đồng đội, đôi và đơn).

Hiện tại, khi Vũ Thị Trang chia tay Bắc Giang để về đầu quân cho  quê chồng TP HCM, HLV Phạm Văn Vũ cùng các đồng nghiệp ở địa phương này đang quyết tâm sẽ phải sớm đào luyện cho bằng được một số gương mặt mới đủ sức thay thế đàn chị. Ông thầy già đang rất tự tin, bởi trong tay mình đang có những nhân tố có đủ tố chất, khát khao và sức vươn cho mục tiêu vươn ra quốc tế.

Cách đây 10 năm, nhiều phụ huynh vì cảm phục tấm lòng và sự đam mê của ông Vũ đã chung tay xây thêm một cơ sở tập luyện cầu lông mới ở thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.  Nhờ cơ sở mới khang trang hơn, ông mạnh dạn nhận dạy thêm vài lớp nữa với số học trò lên tới trên 100, được chia ra làm nhiều lứa tuổi với các lớp nhập môn và đào tạo chuyên sâu.

Theo thống kê, cơ sở đào tạo cầu lông nghiệp dư của ông Vũ không chỉ quy củ và tốt nhất ở tỉnh này mà còn trực tiếp cung cấp đến 80% tay vợt nhí cho tuyến năng khiếu của cầu lông tỉnh Bắc Giang. Đội tuyển tỉnh Bắc Giang luôn có ít nhất một nửa số thành viên là quân được phát hiện, đào luyện từ “lò” thầy Vũ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.