Trao đổi với PV Dân trí ngày 2/3, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thời điểm này, đa số các địa phương đã cho học sinh đi học trở lại.
Do đó, nếu tình hình ổn định, các trường có thể thực hiện chương trình năm học theo đúng kế hoạch, Bộ GD&ĐT không phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học 2020-2021.
"Bộ GD&ĐT đã giao địa phương chủ động xây dựng kế hoạch năm học, trong đó có các tình huống sử dụng quỹ thời gian dự phòng như thế nào.
Riêng một vài tỉnh vẫn còn dịch Covid-19 và nghỉ dài ngày như Hải Dương và Hải Phòng, việc dạy trực tuyến vẫn thực hiện khá tốt trong thời gian học sinh nghỉ học tập trung.
Vì vậy, các trường chủ động điều chỉnh chương trình học phù hợp. Khi học sinh quay lại trường học, các cơ sở giáo dục chủ động ôn tập lại những bài đã học trực tuyến, đảm bảo học sinh tiếp nhận được kiến thức", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Về việc một số địa phương như Hải Dương, học sinh nghỉ học khoảng hơn 1 tháng để chống dịch, vậy thời gian tổ kì thi tốt nghiệp THPT có được Bộ GD&ĐT điều chỉnh lùi lại, hay có cách thức như thế nào?
Ông Thành cho hay, ngay từ đầu Bộ GD&ĐT đã cho các địa phương chủ động kế hoạch dạy học, dự kiến sẽ kết thúc năm học vào ngày 31/5.
Theo đó, kế hoạch dạy và ôn tập cho học sinh lớp 12 cũng được địa phương chủ động từ đầu.
Trao đổi với PV báo này vào chiều cùng ngày, ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, nếu đến 17/3, học sinh ở tỉnh này đi học tập trung trở lại, vẫn đáp ứng đúng thời gian kết thúc năm học như Bộ GD&ĐT quy định.
"Chỉ sợ dịch Covid-19 vẫn còn, học sinh vẫn phải nghỉ học, địa phương này sẽ phải xin lùi thời gian tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT như Đà Nẵng năm ngoái", ông Việt cho biết.
Cũng theo Giám đốc sở này, hiện Hải Dương có 8 địa phương nguy cơ thấp, nhiều ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Theo dự kiến, nếu dịch tiếp tục được kiểm soát tốt, Sở GD&ĐT Hải Dương sẽ đề xuất cho khoảng 12.000 học sinh lớp 12 của 8 địa phương này đi học tập trung từ ngày 8/3 tới.
Như báo Người Lao Động đã đưa tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến diễn ra trong 2 ngày với 5 bài thi. Thí sinh làm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (gồm các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Chỉ có môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại đều theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Theo quy định mới, mỗi tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi/môn thi được giao phụ trách. Riêng đối với đề thi trắc nghiệm, thư ký dùng phần mềm rút ngẫu nhiên các câu trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi chuyển cho các tổ trưởng ra đề thi, tổ trưởng sẽ phân công các thành viên trong tổ ra đề thi thẩm định từng câu trắc nghiệm.
Tất cả thành viên của tổ ra đề thi cùng thảo luận, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm và tổ hợp thành đề thi. Các thành viên của tổ ra đề thi cùng ký tên vào các đề thi và trình chủ tịch hội đồng ra đề thi. Sau khi đề thi được chủ tịch hội đồng ra đề thi phê duyệt, thư ký thực hiện trộn đề thi thành nhiều mã khác nhau. Tất cả thành viên của tổ ra đề thi rà soát từng mã đề thi, đáp án và cùng ký tên vào từng mã đề thi đó.
Khâu chấm thi cũng có những quy định chặt chẽ hơn. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trưởng môn chấm thi tổ chức thảo luận đáp án, hướng dẫn cho toàn bộ tổ trưởng chấm thi, cán bộ chấm thi.