Theo Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), doanh nghiệp Fintech để được tham gia Sandbox thì phải thoả mãn 6 tiêu chí như: giải pháp hoàn toàn chưa có hoặc một phần chưa có quy định pháp lý điều chỉnh; là giải pháp sáng tạo lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam hoặc có tính sáng tạo cao; được quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung, có phương án xử lý, khắc phục rủi ro trong quá trình thử nghiệm; có tính khả thi và thương mại cao …
Sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm từ 1 - 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, doanh nghiệp Fintech sẽ được cấp chứng nhận nếu hoàn thành các tiêu chí.
Hiện NHNN đang đệ trình Chính phủ xem xét về việc xây dựng Nghị định cho Sandbox và dự kiến cơ chế này sẽ được ban hành vào cuối năm 2021.
Thúc đẩy phát triển và cô đọng thị trường
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc sớm đưa ra cơ chế thử nghiệm cho Fintech không những nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn thúc đẩy phổ cập tài chính, đổi mới sáng tạo, rút ngắn thời gian xây dựng và đưa các dịch vụ tài chính mới, chất lượng ra thị trường. Đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Fintech Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài.
Cơ chế nghiêm ngặt của Sandbox sẽ giúp thanh lọc thị trường tài chính, ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật để bảo vệ tối đa lợi ích của người sử dụng, đặc biệt là những dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức.
Riêng trong lĩnh vực P2P Lending, dù đã có những bước phát triển sôi động những năm qua nhưng chưa có hành lang pháp lý cụ thể và hiện đang áp dụng các quy định của Luật Dân sự. Vậy nên, Sandbox được xem là bước khởi đầu khơi thông pháp lý, một công cụ thiết yếu để cơ quan chức năng quan sát, đánh giá và điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp P2P Lending.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng TS Nguyễn Trí Hiếu, một công ty đủ điều kiện tham gia chương trình thử nghiệm Sandbox được xem là sự chấp thuận của cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp hoạt động hợp lệ, ít nhất trong thời gian thử nghiệm. Do đó, những doanh nghiệp không nằm trong danh sách có thể bị thị trường đánh giá thấp hoặc xem là “ngoài vòng kiểm soát”.
Số liệu khảo sát của Viện chiến lược Ngân hàng tính đến thời điểm cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending. Tuy nhiên theo ước tính của các chuyên gia, có rất ít các doanh nghiệp P2P Lending có thể đáp ứng được các tiêu chí mà Dự thảo Sandbox đề ra.
Biến thử thách thành cơ hội
Các doanh nghiệp P2P Lending nhận định, cơ chế Sandbox là điều mà hầu hết các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư bền vững trong lĩnh vực này mong đợi. Mặc dù tiêu chí để được tham gia Sandbox khá khắt khe và có thể xem là bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp Fintech, tuy nhiên, chính sự chặt chẽ của Dự thảo sẽ góp phần sàng lọc và minh bạch thị trường, dành chỗ cho các đơn vị tiềm năng phát triển.
Quan sát cộng đồng P2P Lending ở thời điểm hiện tại cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn đã chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thử nghiệm sắp tới. Điển hình như VNVON.COM (một trong những sàn cho vay ngang hàng kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp được chú ý nhất hiện nay) cho biết đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã gần như đã hoàn tất các hồ sơ pháp lý để đăng ký tham gia Sandbox ngay khi Dự thảo được Chính phủ thông qua.
Đại diện VNVON cho biết, dựa trên nền tảng cốt lõi của công nghệ số, VNVON đã và đang triển khai hiệu quả bộ quy trình vận hành thông qua các quy định chặt chẽ phù hợp với pháp luật hiện hành như: quy trình thẩm định khách hàng, quy trình quan hệ khách hàng, quy trình giải ngân, quy trình quản lý rủi ro nhà đầu tư, quy trình xử lý nợ… Bên cạnh việc cho phép đo lường và kiểm soát tối đa rủi ro để bảo vệ nhà đầu tư, các giải pháp công nghệ hiện đại của VNVON đồng thời tạo điều kiện kết nối trực tiếp nhà đầu tư và doanh nghiệp vay vốn với thủ tục đơn giản, nhanh chóng.
“Chiến lược trọng tâm của VNVON là tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào mọi hoạt động thông qua sự hợp tác với các đối tác công nghệ uy tín trong và ngoài nước, hướng đến số hóa toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ cho hoạt động P2P Lending”, đại diện sàn VNVON.COM nhấn mạnh.
Trong xu hướng “Digital Financing” (Tài chính kỹ thuật số) lan rộng toàn cầu, P2P Lending với đặc thù sử dụng công nghệ kỹ thuật số được xem là hoạt động tài chính mới mẻ có tiềm năng phát triển mạnh hậu đại dịch. Do đó việc ban hành cơ chế Sandbox sẽ là tiền đề xây dựng hoàn thiện hành lang pháp luật cho loại hình này, tạo một sân chơi công bằng và hợp pháp cho các công ty P2P Lending uy tín.