Vào giữa thế kỷ thứ IX dưới thời vua Anawratha, Bagan đã trở thành trung tâm Phật giáo nguyên thủy. Trong suốt 250 năm, các nhà cầm quyền Bagan và các tầng lớp giàu có của Bagan đã xây dựng trên 10.000 di tích tôn giáo ở vùng đồng bằng. Thành phố phát triển thịnh vượng, trở thành trung tâm lý tưởng để nghiên cứu tôn giáo.
Sau này, cố đô Bagan vẫn là một địa điểm hành hương nhưng người ta chỉ tập trung ở những ngôi đền nổi bật nhất. Hàng ngàn ngôi đền còn lại rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng và hầu hết đã không còn tồn tại với thời gian bởi thiên tai, động đất.
Hiện cố đô Bagan còn lưu giữ được hơn 2.000 ngôi đền chùa. Những ngôi đền tháp ở Bagan có kiến trúc độc đáo với kết cấu đặc kín hoặc rỗng bên trong, được phân thành 4 kiểu kiến trúc chính tùy theo từng phong cách khác nhau.
Loại thứ nhất là kiểu tháp hình bầu, gần giống với kiểu tháp Chorten của Tây Tạng. Ngôi tháp có niên đại sớm nhất của loại này xuất hiện vào thế kỷ VIII có tên là Bupaya, do những thổ dân người Pyu xây lên.
Loại thứ hai có một loạt các bệ tháp ba tầng lớn dần từ trên xuống, trên đỉnh là một mái vòm hình trụ hoặc hình chuông nối tiếp tạo thành một hình chạm đầu mái của các vòng tròn đồng tâm, tiêu biểu như đền Lawkananda và Shwesandaw.
Đền Shwezigon và Mingalarzedi có mái vòm hình chuông với một dải đường gờ ở giữa là đại diện nổi bật của dạng biến thể.
Loại thứ ba tương tự như dạng cơ bản của loại hai nhưng có một đĩa có hình dáng cái bát với dải trang trí được đặt giữa mái vòm và hình chạm đầu mái. Điển hình là đền chùa Nyima Seinnyet.
Loại thứ tư, kiến trúc có một mái vòm hình chuông trên một bệ tròn và một gian thánh tích giống như chiếc hộp được đặt giữa mái vòm và hình chạm đầu mái. Đền Sapada là một mẫu đặc trưng của kiểu này.
Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Cố đô Bagan là Di sản văn hóa thế giới năm 2019.