Có hay không tình trạng đầu tư núp bóng nhằm 'lách luật' tại Grab Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Dù nắm giữ tới 51% vốn tại Grab Việt Nam, nhưng những cổ đông người Việt như ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Lý Thụy Bích Huyền đều bị nghi ngờ chỉ “đứng tên” hộ phần vốn góp đó nhằm “lách luật”, khi cả hai cá nhân này đều có những điểm “lạ” rất khó hiểu – đó là những khoản nợ nần liên quan đến Grab….
Grab đang chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xe công nghệ tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ).
Grab đang chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xe công nghệ tại Việt Nam. (Ảnh minh hoạ).

Tháng 2/2014, Grab xuất hiện tại Việt Nam với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH GrabTaxi - tiền thân của Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) sau này. Năm 2015, Grab Việt Nam được Bộ GTVT cấp phép thí điểm hoạt động tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Thời điểm năm 2016, Grab Việt Nam có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, tất cả cổ đông đều là người Việt Nam bao gồm: ông Nguyễn Tuấn Anh (34%), Nguyễn Phú Sinh (33%) và Trần Anh Đức (33%). Từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2020, ông Nguyễn Tuấn Anh luôn duy trì tỷ lệ sở hữu tại Grab Việt Nam là 51%; còn lại 49% vốn của doanh nghiệp này do Grab Inc. - pháp nhân đến từ quần đảo Cayman (nước Anh) sở hữu.

"Nhà sáng lập" vay Grab số tiền đúng bằng phần vốn góp vào Grab Việt Nam

Tại Grab Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi ông chính là người mở đường triển khai thành công các ứng dụng đặt xe rất phổ biến và có nhiều người dùng hiện nay như: GrabBike, GrabTaxi và GrabCar. Có thể nói rằng, đối với Grab Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh chính là một “start up”.

Trở thành Giám đốc Grab Việt Nam vào năm 2014, ông Nguyễn Tuấn Anh được đánh giá là người có đóng góp rất nhiều cho doanh nghiệp này trong những ngày đầu thành lập, từ việc lo thủ tục pháp lý cho tới các hoạt động mở rộng thị trường. Từ vị trí ban đầu, ông Tuấn Anh tiếp tục nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc Grab Financial Group Việt Nam và sau đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Grab.

Thường được ca ngợi như một “start up” vô cùng thành công với Grab Việt Nam, thế nhưng nếu xem xét các khoản mục phụ trong Báo cáo tài chính năm 2018 của doanh nghiệp này, thì có thể nhận thấy rằng, tại Grab Việt Nam, ông Nguyễn Tuấn Anh vốn chỉ là một “nhà đầu tư” thông thường, không hơn không kém.

Cụ thể, ở phần “Phải thu về cho vay ngắn hạn”, Grab Việt Nam có viết: “Phải thu về cho vay ngắn hạn thể hiện khoản vay cho ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư, với số tiền là 10.200 triệu đồng” (tức 10,2 tỷ đồng – PV). Đáng chú ý, khoản vay ngắn hạn 10,2 tỷ đồng này đúng bằng với số tiền mà ông Nguyễn Tuấn Anh đã góp vào Grab Việt Nam để sở hữu 51% vốn công ty.

Bên cạnh đó, việc ông Tuấn Anh chỉ là “nhà đầu tư” mà không phải “ông chủ thực sự” hay “nhà sáng lập”, “ star up” thành công tại Grab Việt Nam còn thể hiện ở việc Grab Inc. đã “rót” rất nhiều tiền cho Grab Việt Nam, thậm chí nhiều vượt trội so với vốn góp chủ sở hữu của doanh nghiệp này.

Theo đó, tại thời điểm ngày 31/12/2018, vốn góp chủ sở hữu của Grab Việt Nam chỉ ở mức 20 tỷ đồng; nhưng nợ phải trả đã lên đến 3.537 tỷ đồng - cao gấp 177 vốn góp chủ sở hữu. Đa số các khoản nợ phải trả đến từ những khoản vay mà Grab Inc. dành cho Grab Việt Nam.

Cụ thể, về vay ngắn hạn, số tiền mà GrabTaxi Holdings Pte Ltd. và Grab Inc. cho Grab Việt Nam vay lần lượt là: 860 tỷ đồng và 465 tỷ đồng. Về vay dài hạn, hai công ty này lần lượt cho Grab Việt Nam vay 512 tỷ đồng và 869 tỷ đồng. Đồng USD là đồng tiền dùng để giao dịch cho các khoản vay này; vì vậy mà giá trị các khoản vay tăng mạnh so với hồi đầu năm do phụ thuộc tỉ giá của đồng USD.

Điều đáng nói, phần lớn các khoản vay của Grab Việt Nam tại Grab Inc. đều không có lãi suất. Giới đầu tư nhận định, việc một nhà đầu tư nước ngoài như Grab Inc. lại tin tưởng vào một nhà đầu tư cá nhân trong nước để cho vay một số tiền cực lớn với lãi suất bằng 0 như vậy trong một thời gian dài, khi mà Grab Việt Nam cứ liên tục thua lỗ là một điều vô cùng khó hiểu.

Có hay không tình trạng đầu tư núp bóng nhằm 'lách luật' tại Grab Việt Nam? ảnh 1
Với các mức áp phí như hiện nay, có thể nhận thấy rằng, việc Grab Việt Nam lỗ hay lãi hiện đang phụ thuộc vào Grab Inc.

Ai là "chủ nhân" thực sự của Grab Việt Nam?

Câu chuyện về việc những cổ đông người Việt có phải “chủ nhân” thực sự của 51% vốn tại Grab Việt Nam hay không càng hiện lên rõ nét hơn khi ông này rời công ty vào năm 2020. Theo đó, ngày 1/2/2020 ông Nguyễn Tuấn Anh đã chính thức nghỉ việc tại Grab Việt Nam sau nhiều năm gắn bó.

Chỉ ít ngày sau đó, ngày 27/3/2020, bà Lý Thụy Bích Huyền – một nhân viên cũ của Grab Việt Nam bất ngờ trở thành người nắm giữ toàn bộ số cổ phần của công ty này, mà trước đó từng đứng dưới tên ông Nguyễn Tuấn Anh. Dù nhân sự biến động nhưng tỷ lệ sở hữu vốn tại Grab Việt Nam của cổ đông người Việt vẫn duy trì ở mức cố định 51%-49% theo đúng quy định.

Được biết, bà Bích Huyền chính là nhân viên “đời đầu” của Grab Việt Nam. Năm 2014, thời điểm Grab Việt Nam mới thành lập, bà Bích Huyền rời khỏi VNG sang đảm nhận chức vụ Sale Manager (Trưởng phòng Kinh doanh) của Grab Việt Nam. Sau nhiều lần được thăng chức, từ năm 2020 đến nay bà trở thành Head of VN Operations của Grab Việt Nam.

Có một điều rất khó hiểu là, tương tự như ông Tuấn Anh, bà Bích Huyền cũng là một cổ đông có liên quan đến các khoản nợ nần với Grab; khi bà này sở hữu 51% vốn tại Grab Việt Nam từ ông Tuấn Anh đã ngay lập tức tiến hành cầm cố toàn bộ cổ phần tại một công ty liên quan đến Grab.

Cụ thể, ngay khi vừa nằm trong tay 51% vốn tại Grab Việt Nam, bà Huyền đã đem toàn số cổ phần nói trên thế chấp tại Công ty TNHH GPay Network Việt Nam. Đến tháng 11/9/2020, bà Huyền tiếp tục thế chấp 100% vốn Công Ty TNHH G-Trees cũng vẫn tại GPay Network Việt Nam. Đáng chú ý, 100% vốn GPay Network Việt Nam thuộc sở hữu của chính Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam).

Xét về tỷ lệ sở hữu, ông Nguyễn Tuấn Anh hay bà Lý Thụy Bích Huyền với việc sở hữu 51% vốn tại công ty, sẽ có lợi ích và quyền quyết định tới Grab Việt Nam nhiều hơn Grab Inc. Thế nhưng, kể từ khi hoạt động tới nay, dù Grab Việt Nam chỉ có vốn điều lệ 20 tỷ đồng (tương ứng phần vốn góp của Grab Inc. chỉ là 9,8 tỷ đồng), Grab Inc. vẫn cho Grab Việt Nam vay 4.279 tỷ đồng, không lãi suất, không tài sản đảm bảo.

Ở chiều ngược lại, trong thời gian gần đây, Grab Inc. bỗng dưng tiến hành các hoạt động thu phí quản lý, phí bản quyền đối với Grab Việt Nam, khiến doanh nghiệp này rơi vào cảnh thua lỗ. Với các mức áp phí như vậy, có thể nhận thấy rằng, việc Grab Việt Nam lỗ hay lãi hiện đang phụ thuộc vào Grab Inc.

Cũng từ đây, câu hỏi được giới đầu tư đặt ra suốt thời gian qua là liệu các cổ đông người Việt sở hữu 51% vốn Grab Việt Nam có phải là người chủ thực sự của doanh nghiệp này hay không? Hay ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Lý Thuỵ Bích Huyền vốn chỉ là những cá nhân “đứng tên hộ” phần góp vốn nhằm lách luật?

Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin!

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.