'Cơ hội quan trọng vun đắp quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand'

0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ New Zealand: Cơ hội quan trọng vun đắp quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand
'Cơ hội quan trọng vun đắp quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand'

Nhân dịp này, bà Tredene Dobson, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền New Zealand tại Việt Nam đã trả lời phóng vấn về mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand.

Phóng viên: Đại sứ có thể chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - New Zealand phát triển tốt đẹp, sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2020)?

Đại sứ Tredene Dobson: Chuyến thăm của Thủ tướng Ardern là một minh chứng nữa cho thấy mối quan hệ giữa New Zealand và Việt Nam đang phát triển tốt đẹp, cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ đó đối với cả hai nước. Cùng với chuyến thăm New Zealand của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, một tháng sau khi New Zealand dỡ bỏ các hạn chế do COVID-19, chuyến thăm của Thủ tướng Ardern cho thấy cả hai nước đều cam kết tận dụng tối đa các cơ hội được tạo ra khi hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2020.

Mối quan hệ Đối tác Chiến lược được xây dựng trên cơ sở hợp tác toàn diện và những thành tựu trên nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại-kinh tế, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng-an ninh, phát triển và giao lưu nhân dân. Chuyến thăm là cơ hội quan trọng để Thủ tướng Ardern tái khẳng định và vun đắp mối quan hệ trên nền tảng vững chắc này.

Cả hai quốc gia đều vượt qua tác động của đại dịch COVID-19, vì vậy chuyến thăm cũng là cơ hội quan trọng để hai nước tái kết nối và phục hồi cùng nhau. Thủ tướng Ardern sẽ được tháp tùng bởi đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ New Zealand bao gồm các Giám đốc điều hành (CEO) và nhà quản lý hàng đầu với mong muốn mở ra cơ hội hợp tác kinh tế song phương và chúng tôi hy vọng sẽ có cơ hội đầu tư mới vào Việt Nam.

Thị trường năng động, mới nổi của Việt Nam mang đến những cơ hội kinh tế mới cho nhiều doanh nghiệp New Zealand trên cơ sở mối quan hệ thương mại hai chiều trị giá hơn 2,3 tỷ đô la New Zealand trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2022.

Chuyến thăm cũng là cơ hội để chứng minh cả hai quốc gia đều mở cửa du lịch, mở cửa hoàn toàn trở lại đối với du lịch quốc tế.

Nhìn chung, chuyến thăm nhằm mục đích thúc đẩy mối quan hệ cùng có lợi cũng như hợp tác trên các lĩnh vực ưu tiên như đã thống nhất trong Khuôn khổ Đối tác Chiến lược và trao đổi một số thách thức trong khu vực.

Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand qua chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Jacinda Ardern?

Đại sứ Tredene Dobson: Tôi hy vọng chuyến thăm sẽ là dịp để hai bên tái khẳng định tầm quan trọng và giá trị của mối quan hệ song phương, đặc biệt khi cả hai nước và khu vực phục hồi sau COVID-19. Các sự kiện mà chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến thăm sẽ cho thấy mối quan hệ bền chặt và lợi ích đối với cả hai quốc gia. Chẳng hạn như sự kiện Kết nối nông nghiệp New Zealand (AgriconnectioNZ) sẽ giải thích tại sao Việt Nam - New Zealand trở thành đối tác tự nhiên như vậy trong lĩnh vực nông nghiệp, và nêu bật lợi ích thực sự mà mối quan hệ đối tác này mang lại cho nông dân hai nước. Trong khuôn khổ chuyến thăm, chúng tôi sẽ có một vài thông báo mà tôi cho rằng nông dân Việt Nam và người tiêu dùng New Zealand rất hài lòng.

Điều này sẽ đạt được thông qua một loạt các sự kiện, bao gồm các cuộc hội đàm chính thức giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai quốc gia, đối thoại và mạng lưới kinh doanh, cùng các sự kiện trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, du lịch và thể thao.

Các cuộc gặp giữa Thủ tướng Jacinda Ardern với các nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam sẽ giúp hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin, chia sẻ hiểu biết lẫn nhau, tái khẳng định các cam kết, xây dựng trên các lĩnh vực cùng quan tâm. Điều này sẽ giúp thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai bên.

Các hoạt động giữa các đoàn doanh nghiệp của cả hai nước, với sự hiện diện của Thủ tướng Jacinda Ardern và các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và New Zealand, sẽ giúp thiết lập các kết nối có ý nghĩa, thảo luận biện pháp thúc đẩy thương mại song phương, tìm kiếm các cơ hội cùng có lợi và tìm cách tận dụng chúng.

Có một số bước phát triển thực sự tuyệt vời và chúng ta đang nỗ lực làm mới các thỏa thuận trước đó để tiến tới sự phát triển và cơ hội mới. Đó là điều mà Thủ tướng hai nước sẽ cùng nhau chia sẻ.

Một lĩnh vực mà chúng ta có thể mong đợi các nhà lãnh đạo xem xét kỹ lưỡng để hợp tác là biến đổi khí hậu. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra, tiếp nối những cam kết đầy tham vọng hai nước đưa ra tại COP26 và trước đó. Do vậy, hai nước hoàn toàn có cơ hội để tăng cường hợp tác. Chúng ta đang đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực nông nghiệp và tôi cho rằng thị trường carbon là một lĩnh vực khác đã chín muồi cho hai bên hợp tác.

Nhân đây, tôi cũng muốn điểm lại trong những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam - New Zealand đã phát triển mạnh mẽ. Về thương mại, trong 5 năm qua thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng 59%, đạt 2,39 tỷ đô la New Zealand vào cuối năm 2022, giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand. Trong giai đoạn này, Việt Nam xuất khẩu 1,36 tỷ đô la sang New Zealand trong khi New Zealand xuất khẩu 1,03 tỷ đô la sang Việt Nam. Điều này cho thấy bản chất bổ sung của mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Chẳng hạn như xuất khẩu trái cây tươi của New Zealand sang Việt Nam tăng trưởng khoảng 18%, trong khi xuất khẩu máy móc của Việt Nam sang New Zealand tăng hơn 30% so với năm ngoái.

Nhiều sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu cơ hội cho các nhà xuất khẩu ở cả hai nước và giới thiệu Việt Nam với các công ty New Zealand đang tìm đối tác mới, kể cả cho mục đích đầu tư.

Tôi cho rằng một trong những điểm nổi bật nhất đối với tôi trong hai năm qua là mặc dù cả hai nước đều áp dụng hạn chế đi lại do COVID-19, song mối quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển trên mọi lĩnh vực. Người dân và doanh nghiệp hai nước đều quyết tâm và đã tìm ra phương thức làm việc cùng nhau. Các Nhà lãnh đạo và Bộ trưởng hai nước duy trì trao đổi thường xuyên, mặc dù thông qua hình thức trực tuyến. Trong lĩnh vực giáo dục, các trường đại học và các tổ chức giáo dục khẩn trương triển khai các cơ hội học tập trực tuyến cũng như chuẩn bị đón sinh viên Việt Nam khi họ có thể đến New Zealand. Hợp tác trong hoạt động và thể chế giữa các cơ quan an ninh và quốc phòng cũng được duy trì.

Một lĩnh vực khác mà tôi muốn nhấn mạnh là hợp tác phát triển. Thời kỳ khủng hoảng là lúc nhóm dễ tổn thương bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tôi rất tự hào rằng trong thời điểm đó, các mối quan hệ đối tác và mạng lưới bền chặt mà hai nước phát triển trong nhiều năm đã phát huy vai trò. Tận dụng các kết nối này, New Zealand đã đầu tư gần 2,2 triệu đô la New Zealand kể từ tháng 6/2020 để hỗ trợ Việt Nam ứng phó với đại dịch COVID-19.

Năm ngoái, một trong những dự án hợp tác thành công nhất đã kết thúc. Dự án kéo dài hơn 10 năm là một điểm đáng tự hào cho cả New Zealand và Việt Nam - thương mại hóa các giống thanh long và đạt được bước tiến khoa học lớn trong việc quản lý dịch bệnh trên trái cây. Giờ đây, chúng tôi rất phẩn khởi khi áp dụng những kiến thức chuyên môn và bài học kinh nghiệm vào sự phát triển ngành trồng chanh leo của Việt Nam.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa hai quốc gia trong ứng phó với đại dịch. Chúng ta đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để hỗ trợ chính sách ứng phó với đại dịch; hợp tác chặt chẽ trong khu vực, đặc biệt thông qua APEC để hỗ trợ hiệu quả chuỗi cung ứng vaccine, thuốc và thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Fisher và Paykel Healthcare, một công ty New Zealand, đã tài trợ cho một số bệnh viện với công nghệ mới nhất để hạn chế dùng máy thở cho bệnh nhân; và tất nhiên chúng tôi đã cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX.

Hai năm dịch COVID-19 vừa qua đặt ra nhiều thách thức cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, quan hệ Đối tác Chiến lược đã đặt hai nước vào vị trí vững chắc để tiếp tục xây dựng mối quan hệ này.

Phóng viên: New Zealand và Việt Nam đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2024. Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để đạt được mục tiêu trên?

Đại sứ Tredene Dobson: Việt Nam và New Zealand có lợi thế cùng tham gia ba hiệp định thương mại tự do lớn (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP), cũng như hợp tác trong cấu trúc khu vực (APEC, ASEAN/EAS và ASEM), và gần đây nhất là Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Những kết nối kinh tế song phương và khu vực sâu rộng này sẽ đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng và giảm bớt các rào cản đối với thương mại quốc tế.

New Zealand là một thị trường mở, tự do - chúng tôi biết lợi ích mang lại từ việc khai thác các sản phẩm, kỹ năng và chuyên môn của các đối tác thương mại, đặc biệt ở những nơi họ có lợi thế cạnh tranh. Và Việt Nam, với năng lực sản xuất có tiếng, cung cấp chính xác những thứ đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam biết rõ điều đó. Mặc dù New Zealand chỉ có dân số khiêm tốn 5 triệu dân, so với 98 triệu dân của Việt Nam, Việt Nam thực sự được hưởng thặng dư thương mại ở New Zealand.

Tôi muốn thấy sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các doanh nghiệp và tôi sẽ xem xét để có thể hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động đó trong nhiệm kỳ của tôi tại Việt Nam. New Zealand và Việt Nam có cơ hội tốt để hợp tác trên những lĩnh vực mà hai nước chia sẻ các mối quan hệ thương mại, tiếp cận thị trường và các thỏa thuận thương mại - chẳng hạn như mối quan hệ với Liên minh châu Âu.

Khi Việt Nam nỗ lực tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp New Zealand cũng có vị trí tốt để cung cấp các sản phẩm đầu vào trung gian cho ngành chế tạo Việt Nam. Vì vậy, cho dù gỗ New Zealand được sử dụng để sản xuất đồ nội thất tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, hay các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng thị trường, xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng mới trong khu vực - mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của chúng ta, các tiêu chuẩn chung và tầm nhìn chung về hội nhập kinh tế tự do và mở, tạo ra một nền tảng vững chắc cho tăng trưởng.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc cùng với Cơ quan Thương mại và Doanh nghiệp New Zealand hỗ trợ hoạt động kinh doanh của New Zealand tại Việt Nam, tôi có thể nói rằng điều quan trọng là phải nắm bắt thị trường tiêu dùng Việt Nam và có những điều chỉnh phù hợp. Một ví dụ là Chiến dịch bán lẻ “Made with Care” do Cơ quan Thương Mại và Doanh nghiệp New Zealand phát động đặc biệt cho thị trường Việt Nam. Chiến dịch nhấn mạnh thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam, đó là các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, an toàn, bổ dưỡng và phù hợp với đạo đức. Việt Nam có văn phòng thương mại tại New Zealand và tôi đặc biệt đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường New Zealand tham vấn văn phòng này. Văn phòng là địa chỉ tốt nhất có thể đưa ra lời khuyên từ quan điểm của người Việt Nam.

Nếu chúng ta cùng bắt đầu nhận ra tiềm năng to lớn cho các doanh nghiệp New Zealand và Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và phát triển mối quan hệ thương mại tương hỗ, chúng ta sẽ không chỉ đạt được mục tiêu 2 tỷ USD (xấp xỉ 3,2 tỷ đô la New Zealand) trong kim ngạch thương mại hai chiều vào năm 2024, mà thậm chí còn vượt qua được mức ấy.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của đồng bào dân tộc Mường (Nho Quan, Ninh Bình) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể
(Ngày Nay) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ dâng hương Miếu Ông, Miếu Bà tại Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai 2023.
Nhiều hoạt động đặc sắc sẽ diễn ra tại Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024
(Ngày Nay) - Lễ hội Chợ phong lưu Khâu Vai 2024 bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, đa dạng, như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống thi leo cột chinh phục tình yêu, đánh yến, trình diễn thổi khèn Mông, múa nhảy lửa, múa trống đồng; điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng...
Ảnh minh hoạ.
Thêm một cây xanh – thêm một hành động bảo vệ môi trường
(Ngày Nay) - Triển khai Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục giao cho các đơn vị chức năng phối hợp tổ chức trồng cây phục hồi hệ sinh thái rừng, rừng đầu nguồn, khu bảo tồn, rừng cây chắn sóng… với số lượng cây dự kiến trên 250.000 cây.
Đèn Maple Leaf của Tiffany Studios. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Họa tiết lá phong: Khi nghệ thuật hòa quyện cùng thiên nhiên trên đèn kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Cuốn hút như những chiếc lá phong mùa thu, đèn Maple Leaf của Tiffany Studios là một kiệt tác nghệ thuật kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp tự nhiên và sự sáng tạo của con người. Từng đường nét, từng sắc thái màu sắc đều được trau chuốt tỉ mỉ, mang đến một bức tranh đầy ấn tượng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khởi trống khai mạc lễ hội.
Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024
(Ngày Nay) - Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.