Trên tờ New Straits Times (Malaysia), Giáo sư Irwan Shah Zainal Abidin, chuyên gia kinh tế thuộc trường Đại học Utara, Malaysia cho rằng bất chấp những tác động nặng nề của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, quốc gia Đông Nam Á này đã có một “cơ hội vàng” để tái cơ cấu nền kinh tế. Sau đây là nội dung bài viết:
Theo Giáo sư Irwan Shah Zainal Abidin, mặc dù đã có nhiều đánh giá về những tác động bất lợi của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và Malaysia nói riêng, hiện có ít ý kiến thảo luận về cách thức mà nền kinh tế Malaysia có thể khai thác các lợi ích của đại dịch, xét trên khía cạnh "cách chúng ta sống cuộc sống của mình".
Chuyên gia kinh tế này chia sẻ xét cho cùng kinh tế học là nghệ thuật tận dụng tối đa cuộc sống, như những gì nhà hoạt động chính trị George Bernard Shaw đã định nghĩa. Sự thật khó chấp nhận là nhân loại sẽ phải chung sống với virus SARS-CoV-2 trong nhiều năm tới, ngay cả khi triển khai thành công vaccine và sau khi đạt được miễn dịch cộng đồng trong tương lai gần.
Chính vì vậy theo ông, về khía cạnh kinh tế, cách nhân loại hiểu về kinh doanh và doanh nghiệp, việc làm, đầu tư, tiền bạc và quan trọng nhất là bản chất con người, sẽ và phải thay đổi. Đây sẽ là "điều bình thường mới" tiếp theo mà nhân loại phải đối mặt và hiểu rõ, cùng với việc đeo khẩu trang và tránh xa nơi công cộng, cũng như rửa tay thường xuyên.
Xét trong bối cảnh của Malaysia, đây là “cơ hội vàng” để tái cơ cấu nền kinh tế và điều này cần được thể hiện dưới dạng kế hoạch 5 năm sắp tới, Kế hoạch Malaysia lần thứ 12 (12MP) và trong dài hạn với Tầm nhìn Thịnh vượng Chung 2030 (SPV 2030).
Cho đến khi Sắc lệnh Tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực vào ngày 1/8, 12MP có thể chưa được công bố sớm hơn do kế hoạch này cần được đưa ra thảo luận tại Hạ viện, vốn đang tạm thời bị đóng cửa do sắc lệnh trên.
Đối với một chiến lược ngắn hạn, Chính phủ Malaysia đã lên kế hoạch thực hiện dưới hình thức các gói kích thích kinh tế khác nhau và Luật Ngân sách năm 2021, nhằm giải quyết các tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế.
Giáo sư Irwan Shah Zainal Abidin nhấn mạnh lộ trình hành động tiếp theo là gặt hái "những cơ hội chỉ có một lần trong đời" do đại dịch COVID-19 mang đến bằng cách tái cơ cấu lại nền kinh tế với các kế hoạch trung và dài hạn rõ ràng, phù hợp với chương trình nghị sự thịnh vượng chung.
Ông cho rằng điểm khởi đầu là khá rõ ràng: "Không có lý do gì để nói về việc làm cho sự thịnh vượng được phân bổ đồng đều cho tất cả mọi người, nếu những gì chúng ta đang làm bây giờ làm suy yếu sự thịnh vượng của ngày mai".
Chuyên gia này nhấn mạnh Malaysia cần cân nhắc những điều thực sự quý trọng trong cuộc sống và không phá hủy chúng trong tương lai. Ngoài ra, các chiến lược mới cho tính bền vững phải được ưu tiên hàng đầu.
Trước hết, không có gì quan trọng hơn chính Trái Đất – nơi con người sinh sống. Tuy nhiên, ông cũng giải thích rằng điều này không có nghĩa Malaysia nên loại bỏ hoàn toàn các chỉ số GDP mà để hiểu khái niệm cơ bản của thông số này – một tiêu chí dùng để đo lường hoạt động kinh tế chứ không phải phản ánh sự thịnh vượng.
Theo Giáo sư Irwan, sự gia tăng GDP không nhất thiết phản ánh sự gia tăng phúc lợi của dân số. Tuy nhiên hiện tại điều gì đang xảy ra khi GDP của Malaysia đi xuống và thu hẹp lại? Người dân nước này đang giảm thu nhập, thất nghiệp gia tăng, các doanh nghiệp phá sản, doanh thu của chính phủ giảm, nợ công và mức thâm hụt ngân sách đang tăng vọt.
Ông nhấn mạnh, đây chính là lý do tại sao các biện pháp kích thích và phục hồi nền kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong 12MP, như một phần của chương trình nghị sự quan trọng hơn về tính bền vững trong thời kỳ hậu đại dịch. Các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua những vấn đề cơ cấu đã tồn tại trong nền kinh tế Malaysia ngay cả trước khi đại dịch bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực tới quốc gia Hồi giáo này.
Giáo sư Irwan chỉ ra rằng một trong số đó là vấn đề bẫy thu nhập trung bình. Với dự báo tăng trưởng GDP dưới 5% cho đến năm 2030, nền kinh tế Malaysia sẽ tiếp tục rơi vào bẫy thu nhập trung bình trong một thời gian dài hơn sau năm 2030.
Thực tế này sẽ tác động đến nền kinh tế về khả năng cạnh tranh cùng khả năng chống chịu đối với các cú sốc kinh tế trong tương lai, và sẽ tiếp tục kìm hãm tỷ lệ tiền lương trong nền kinh tế. Ngoài ra, bẫy thu nhập trung bình cũng cho thấy nền kinh tế Đông Nam Á đang thiếu sự đổi mới nghiêm trọng.
Chính vì vậy, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh 12MP và SPV 2030 cần phát huy tác dụng, vạch ra con đường phát triển các khả năng để Malaysia phát triển thịnh vượng.
Ông khuyến nghị Malaysia cần có các chiến lược trung và dài hạn rõ ràng để phát triển năng lực công nghệ và thúc đẩy đổi mới, trong đó chính sách Quốc gia về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2021-2030 là một khởi đầu tốt.
Tiếp đó, SPV 2030 và 12MP cần đảm bảo các nỗ lực đầu tư trong tương lai nghiêng về tính bền vững, như đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hoặc khuyến khích các công ty khởi nghiệp phát triển trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc đấu tranh phát triển bền vững tại quốc gia Đông Nam Á này.
Song song với đó, hệ thống tiền tệ của Malaysia cần phải được cải cách theo hướng bền vững cho nền kinh tế tương lai. Điều này có nghĩa là thể chế tài chính có thể đóng một vai trò trong việc giảm bất bình đẳng, cũng như trở thành một lợi ích xã hội có thể trao quyền cho mọi người thịnh vượng trong những cách riêng của từng công dân.