Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng, lên tới hơn 30%. Chỉ số Vn-Index đã vượt qua 900 điểm, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á.
Xoay sở tìm nguồn vốn
Tính chung đến thời điểm này đã có khoảng 60 doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, có đến hơn 80% mã cổ phiếu bất động sản tăng giá. Từ phiên giao dịch đầu tiên của năm (ngày 3/1/2017) đến cuối tháng 11/2017, một số mã cổ phiếu bất động sản đã tăng giá trên 300%, nhiều mã tăng trên 200%. Các cổ phiếu có tỷ lệ tăng giá từ 50% đến hơn 100% tương đối phổ biến trên cả hai sàn.
Đây được xem là kênh tìm vốn hợp lý, bởi nguồn vốn cho bất động sản thường lớn và dài hạn, trong khi các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực này. Không những thế, huy động vốn qua chứng khoán còn giúp đa dạng hóa nguồn lực, qua đó giảm thiểu rủi ro cho chính các doanh nghiệp bất động sản.
Diễn biến tích cực này dự báo sẽ còn tiếp tục khi hầu hết các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế đều đang rất tốt. Đây là tiền đề để chứng khoán phát huy vai trò là kênh huy động bền vững cho những lĩnh vực cần vốn lớn và lâu dài như thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng bên cạnh vốn tự có, vay ngân hàng và phát hành trái phiếu, việc các doanh nghiệp lên sàn là một cách xoay sở tìm nguồn vốn để thực hiện các dự án. Vì trên thực tế, hiếm có doanh nghiệp nào có thể phát triển dự án bằng vốn tự có.
Theo ông Châu, việc lên sàn sẽ tạo ra nhiều áp lực về cổ tức, chỉ tiêu tăng trưởng, và hơn nữa việc lên sàn chỉ hiệu quả đối với các doanh nghiệp có quỹ đất, có dự án, có tiềm năng phát triển mạnh mới đủ sức thu hút nhà đầu tư.
"Tuy nhiên, nhìn ở góc độ phát triển thị trường thì việc lên sàn sẽ buộc các doanh nghiệp tham gia phải công khai minh bạch các họat động kinh doanh của mình, qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp nâng tầm quản lý, chuẩn hóa và chuyên nghiệp hơn các hoạt động kinh doanh" - ông Châu cho biết.
Nhưng khó!
TS Sử Ngọc Khương - Giám Đốc bộ phận Đầu Tư Savills Việt Nam dự báo trong tương lai, cổ phiếu bất động sản được đánh giá là một thị trường tiềm năng, hấp lực mạnh dòng tiền của giới đầu tư.
Trong những năm tới, cụ thể là giai đoạn 5 đến 10 năm tiếp theo, thị trường bất động sản và chứng khoán Việt Nam sẽ ngày càng trưởng thành, vững mạnh. Hai thị trường này sẽ có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư với những suy nghĩ, ý tưởng và góc nhìn đa dạng.
Tuy nhiên, ông Sử Ngọc Khương khuyên các nhà đầu tư nên xem xét cổ phiếu của những doanh nghiệp có quỹ đất sạch. Bởi đây là một trong những điều kiện quyết định, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và sự ổn định của thị trường.
Việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, dưới con mắt của chuyên gia Bùi Quang Tín là vô cùng khó để có thể huy động vốn của nhà đầu tư.
Cụ thể, có 16 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn có nợ đến gần 161 ngàn tỷ đồng. Chưa kể các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết và sắp niêm yết, con số nợ ngân hàng còn cao hơn. Trong khi, tổng dư nợ phải trả của các doanh nghiệp địa ốc chiếm 64% tài sản. Còn giá trị hàng tồn kho đã tăng 15%, ở mức hơn 105.000 tỉ đồng.
“Theo đó, để cổ phiếu, trái phiếu có người mua thì doanh nghiệp bất động sản phải có uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nào cũng có những “vệt đen” trên thị trường bất động sản, không dính vấn đề này cũng dính vấn đề khác, nên việc phát hành trái phiếu ra thị trường cũng không dễ lấy tiền của người đầu tư”, chuyên gia Tín nói.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp