Ngày 24/11 tới Văn Phú Invest sẽ tổ chức buổi giới thiệu (Roadshow) với các nhà đầu tư cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPI của công ty này, và dự kiến chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán vào 28/11 tới đây. Sự kiện đã thu hút được các nhà đầu tư cũng như giới địa ốc.
Trước đó, Sở GDCK Hà Nội đã chấp thuận cho Văn Phú Invest niêm yết 160 triệu cổ phiếu VPI với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 27.600 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ ban đầu 45,8 tỷ đồng, đến nay Văn Phú Invest đã tăng vốn chóng mặt lên 1.600 tỷ đồng, trong chưa đầy nửa năm, từ tháng 4 đến tháng 7/2017 Văn Phú Invest tăng vốn mạnh “chóng mặt” gấp 6 lần từ 262 tỷ lên 1600 tỷ.
Văn Phú Invest được biết đến là một nhà phát triển bất động sản thuộc phân khúc trung cao cấp. Công ty này được hình thành từ những năm đầu 2003 do ông Tô Như Toàn – hiện là chủ tịch HĐQT sở hữu 60,5% Văn Phú Invest gây dựng nên từ Công ty CP kinh doanh nhà Quảng Ninh, đến 2008 thì ông Toàn tách hẳn ra làm Chủ tịch CTCP Đầu tư Văn Phú Invest khi công ty triển khai xây dựng KĐT Văn Phú quận Hà Đông, Hà Nội.
Đây cũng là dự án lớn đầu tiên đánh dấu bước chân của Văn Phú Invest trong thị trường BĐS. Thời kỳ 2006 khi thị trường BĐS “sốt” Văn Phú Invest bắt đầu xây dựng KĐT Văn Phú có quy mô 94ha. Khu đô thị này được Văn Phú Invest đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng gồm các khu nhà ở thấp tầng, cao tầng, khu công viên cây xanh, công trình xã hội…có tổng mức đầu tư 18 nghìn tỷ. Dự án này cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào đây.
Bên cạnh đó, một dự án khác cũng đã được Văn Phú Invest đầu tư xây dựng cách đây khoảng 3 năm là Home City tại phố Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội. Khu chung cư cao tầng này cũng mới được bàn giao nhà cho cư dân vào ở hồi đầu năm nay.
Không ít kiện cáo, khiếu nại xảy ra
Mặc dù được đánh giá là nhà phát triển bất động sản triển khai xây dựng các dự án đảm bảo tiến độ, làm thay đổi diện mạo đô thị. Tuy nhiên, Văn Phú Invest cũng là đại gia BĐS dính nhiều vụ lùm xùm, kiện cáo xảy ra ở nhiều dự án do đơn vị này là chủ đầu tư. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều dự án chung cư khác. Tranh chấp chung cư “leo thang” khiến Thủ tướng mới đây đã có chỉ đạo Bộ xây dựng báo cáo về thực trạng này.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trước ngày 30/11 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Trong số nhiều dự án BĐS, nhiều dự án của Văn Phú invest đã nổ ra tình trạng khiếu kiện của cư dân. Chẳng hạn năm 2013, hàng trăm người mua nhà dự án Văn Phú Victoria (khu đô thị Văn Phú- quận Hà Đông) cho rằng bị chủ đầu tư ép đóng tiền lên tới 95% giá trị căn hộ trong khi chưa dự án vẫn chưa hoàn thiện phần thô.
Nguyên nhân do một số đơn vị thứ cấp đã thu tiền bán nhà nhưng lại không nộp tiền thu được về cho chủ đầu tư khiến nhiều khách hàng có nguy cơ không nhận được nhà. Tuy nhiên, vấn đề này sau đó cũng đã được giải quyết.
Hay mới đây nhất, trong quá trình bàn giao nhà tại dự án khu chung cư cao tầng Home City tại Trung Kính (Cầu Giấy) của Văn Phú Invest cũng đã xảy ra nhiều lùm xùm giữa cư dân và chủ đầu tư. Hàng trăm cư dân Home City đã xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi, khiến nại lên các cơ quan, bộ, ngành.
Nguyên nhân được cho là Chủ đầu tư không rõ ràng thông tin về quy hoạch, bán nhà liên quan đến lối đi của khu chung cư. Theo đó, lúc xây dựng và bán hàng dự án được quảng cáo là có địa chỉ tại 177 phố Trung Kính, có lối đi ngõ 177 Trung Kính. Nhưng đến lúc dự án hoàn thành thì lối đi này bị đóng lại, cư dân phải đi bằng đường tránh ở phố Nguyễn Chánh do lối đi 177 Trung Kính thuộc vào dự án khác.
Trong các đơn khiếu kiện chủ đầu tư dự án gửi tới các sở, ban ngành Hà Nội, các cư dân Home City cũng đã khiếu nại vấn đề này, khi dự án quảng cáo bán nhà ở địa chỉ 177 Trung Kính nhưng thực tế đường dẫn vào nhà lại là tuyến đường khác.
Bên cạnh đó, đã hơn 10 năm xây dựng xong, từ năm 2011 đến nay dự án khu đô thị mới Văn Phú (Hà Đông) của Văn Phú Invest cũng dính nhiều lùm xùm, khiếu nại của người dân về chất lượng của khu đô thị này.
Nhiều công trình khác của Văn Phú Invest đầu tư như trường tiểu học Phú La, trụ sở UBND phường Phú La (xây dựng theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng) đều có tai tiếng với hàng loạt khiếu nại liên quan đến chất lượng.
Thâu tóm hàng loạt dự án trước khi lên sàn
Tuy vậy, sau 15 năm phát triển bất động sản, đến nay Văn Phú Invest được đánh giá là công ty có nhiều tiềm năng khi sở hữu quỹ đất sạch lớn. Trong vài năm qua, Văn Phú đã thâu tóm thêm nhiều dự án.
Bản công bố thông tin của đơn vị này cho thấy, công ty đã mua lại dự án khu chung cư cao cấp An Hưng từ CTCP Đầu tư Đô thị An Hưng có quy mô hơn 35.000m2 tại quận Hà Đông với trị giá 747 tỷ, hay công ty cũng đã mua lại dự án Thảo Điền –TPHCM từ Công ty TNHH Xây dựng Thể Minh trị giá 162 tỷ có diện tích gần 5000m2.
Ngoài ra, Văn Phú cũng được chấp thuận đầu tư ở nhiều dự án khác như dự án Nam Sầm Sơn – Thanh Hóa có diện tích 26ha, dự án Saphire Tower 83 Hào Nam, Giảng Võ Complex, khách sạn Hồ Tây…cùng việc triển khai một loạt dự án BT như Đại học kỹ thuật Hậu cần Công An Nhân dân, Trụ sở mới Đại học Y tế Công Cộng, góp vốn đầu tư dự án Nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang với tổng chiều dài 45,8km…
Theo Trí Thức Trẻ