CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố thông tin về việc bán giải chấp chứng khoán đối với ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR). Số lượng cổ phiếu PDR dự kiến bán giải chấp là 750.000 đơn vị. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 7/11. Tương tự, TVSI cũng sẽ bán giải chấp 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings từ ngày 7/11.
Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt và cổ đông lớn bị ép bán trong bối cảnh cổ phiếu PDR đã giảm 13 phiên liên tiếp và rơi xuống mức 37.500 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ tháng 3/2021. So với đỉnh cách đây một năm, thị giá PDR đã “bốc hơi” gần 50%.
Đà lao dốc của cổ phiếu khiến các trái chủ của PDR hầu hết các lô trái phiếu của doanh nghiệp này đều được đảm bảo bằng cổ phiếu PDR của bên thứ 3. Trước đó vao hồi tháng 5, PDR từng phải bổ sung tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 500 tỷ đồng phát hành cuối năm 2021 do cổ phiếu sụt giảm mạnh.
Tính đến cuối quý 3, tổng nợ phải trả của PDR đã tăng 24% so với đầu năm lên 15.395 tỷ đồng, tương đương 60% tổng tài sản. PDR đã đẩy mạnh mạnh vay nợ lên mức 5.265 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, vay ngân hàng là 1.148 tỷ đồng, nợ vay trái phiếu phát hành là 2.846 tỷ đồng, còn lại là các khoản vay khác.
Dòng tiền kinh doanh âm nặng
Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, PDR ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm đến 99% so với cùng kỳ, xuống còn vỏn vẹn 11 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý 3/2018. Nguyên nhân do doanh thu chuyển nhượng đất, nguồn thu lớn nhất của công ty đã giảm mạnh từ 1.266 tỷ đồng cùng kỳ xuống 7,7 tỷ đồng trong quý 3 năm nay.
Trong kỳ, doanh thu tài chính bất ngờ tăng vọt lên 1.250 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt 460 triệu đồng. Theo giải trình, nguồn thu này chủ yếu đến từ lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con. Cụ thể, ngày 18/10/2022, PDR đã hoàn thành việc chuyển nhượng tiếp 26% vốn Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn KL (Sài Gòn KL) cho Công ty TNHH Bất động sản Gemini, nâng tổng số lượng cổ phần tại Sài Gòn KL đã được chuyển nhượng lên 72% theo như kế hoạch thanh lý khoản đầu tư này.
Cùng xu hướng, chi phí tài chính của PDR cũng tăng mạnh, gấp 4 lần cùng kỳ lên 157 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 132 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù doanh thu sụt giảm mạnh nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, PDR còn phát sinh thêm 100 tỷ đồng chi phí thanh lý tài sản.
Kết quả, PDR lãi ròng hơn 711 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu không có doanh thu tài chính tăng đột biến, nhiều khả năng doanh nghiệp bất động sản này đã lỗ nặng trong quý 3. Lũy kế 9 tháng, PDR ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.490 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và tăng 26% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này chỉ mới hoàn thành 14% kế hoạch doanh thu và 38% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Mặc dù kinh doanh có lãi nhưng PDR lại gặp vấn đề lớn với dòng tiền khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm đến 1.758 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Con số này cùng kỳ cũng âm nhưng chỉ ở mức chưa đến 62 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư và tài chính dương không đủ bù đắp sự thiếu hụt khiến tiền mặt giảm đến 92% xuống còn 51 tỷ đồng.
Thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của PDR đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 25,5% so với hồi đầu năm; trong đó các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh gấp 3 lần đầu kỳ, đạt 7.614 tỷ đồng. Ngoài một số hợp đồng nợ của khách hàng trong dài hạn được chuyển sang ngắn hạn, PDR ghi nhận thêm 4 khoản phải thu ngắn hạn khác có giá trị hơn 2.400 tỷ đồng,...
Hàng tồn kho của PDR cũng tăng thêm 1.200 tỷ đồng so với đầu năm, lên 13.377 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản, chủ yếu nằm tại các dự án như The EverRich 2 (3.597 tỷ đồng), dự án Tropicana Bến Thành Long Hải (1.992 tỷ đồng)... Tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu chiếm tới 84% tổng tài sản và tăng mạnh so với đầu kỳ là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng âm nặng dòng tiền.