Giảm mạnh nhất nhóm “tứ đại gia ngân hàng”
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động mạnh, trong đó giảm giá chiếm ưu thế. Vì vậy, không ngạc nhiên khi cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt VN-Index suốt thời gian qua bỗng dưng giảm sâu.
Trong đó, nếu tính riêng nhóm “tứ đại gia ngân hàng”, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) khiến nhà đầu tư thua lỗ nhiều nhất.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, CTG đóng cửa ở mức 31.150 đồng/cổ phiếu, giảm 9.680 đồng/cổ phiếu, tương đương 23,8% so với phiên cuối cùng của tháng 6/2021.
Như vậy, chỉ sau 2 tháng, vốn hoá thị trường VietinBank “bốc hơi” 46.520 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền “biến mất” trong tài khoản của tất cả các cổ đông VietinBank.
Hai cổ đông nước ngoài là những đơn vị chịu thiệt hại nặng. Giá trị cổ phiếu CTG thuộc sở hữu của The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ và IFC Capitalization (Equity) Fund, L.P giảm 9.178 tỷ đồng và 1.558 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngoại trừ Aribank chưa niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, 2 mã khác của nhóm tứ đại gia ngân hàng có tốc độ giảm nhẹ hơn CTG rất nhẹ.
Đóng cửa phiên 27/8, VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) dừng ở mức 97.800 đồng/cổ phiếu, giảm 18.600 đồng/cổ phiếu, tương đương 16% so với ngày 30/6, thấp hơn nhiều so với tốc độ giảm lên tới 23,8% của CTG.
Trong khi đó, sau gần 2 tháng, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm 8.550 đồng/cổ phiếu, tương đương 18% so với phiên cuối cùng của tháng 6/2021.
Mã CTG nhiều phiên giảm giá trong thời gian gần đây |
Giảm mạnh hơn cổ phiếu “nóng”
Cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến nhiều mã tăng rất “nóng” suốt thời gian qua. Các mã đó là LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank), TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB),…
Theo “lịch sử” của thị trường chứng khoán Việt Nam, các mã tăng nóng sẽ là các mã giảm sâu khi thị trường điều chỉnh. Thế nhưng, trong đợt “lao dốc” này của VN-Index, CTG lại có tốc độ “rơi” mạnh hơn cả những mã tăng nóng.
Cụ thể, sau gần 2 tháng giao dịch, cổ phiếu TCB chỉ giảm 4.650 đồng/cổ phiếu, tương đương 8,8%, cổ phiếu LPB giảm 4.940 đồng/cổ phiếu, tương đương 18,5%, VPB giảm 6.500 đồng/cổ phiếu, tương đương 9,6% xuống 61.200 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý nhất, cổ phiếu NVB không những không giảm mà còn tăgn rất mạnh. Chốt phiên cuối tuần trước, NVB dừng ở mức 28.600 đồng/cổ phiếu, tăng 9.300 đồng/cổ phiếu, tương đương 48%. Nhờ đó, vốn hoá thị trường ngân hàng này “bỏ túi” 3.783 tỷ đồng.
Có một nghịch lý đang xảy ra. Đó là cổ phiếu CTG giảm sâu bất chấp ngân hàng báo lãi đột biến.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của VieitnBank lên tới 8.712 tỷ đồng, tăng 2.697 tỷ đồng, tương đương 44,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số tăng trưởng rất cao so với một đơn vị có quy mô lớn như VietinBank.
Thế nhưng, ẩn đằng sau khoản lợi nhuận khủng đó là nỗi lo về nợ xấu. Tại thời điểm cuối quý 2/2021, nợ xấu tại VietinBank lên đến 14.477 tỷ đồng, chiếm 1,34% tổng dư nợ tín dụng. Những con số này cuối năm ngoái chỉ là 9.519 tỷ đồng, tương đương 0,94%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 6.050 tỷ đồng lên 12.294 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ sau nửa năm, nợ xấu tại VietinBank tăng 52% về số tuyệt đối và tăng 44% về tỷ lệ.
Cần phải lưu ý, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại được giãn nợ, giãn thời gian cơ cấu nợ. Điều đó có nghĩa nhiều khoản nợ xấu đã phát sinh nhưng chưa được ghi nhận hoặc tăng nhóm nợ trong hệ thống ngân hàng.
Vì nợ xấu cao nên VietinBank phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã chi 8.456 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng mạnh so với con số 6.600 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.