Sir Terence English, bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng chủ trì ca phẫu thuật tim đầu tiên ở Anh 40 năm về trước, vừa tuyên bố ông và các cộng sự đã có bước đột phá mới trong việc dùng nội tạng của… heo để cấy ghép cho con người.
Kỹ thuật mới được nhóm nghiên cứu gọi là "xenotransplantation", kỳ vọng sẽ cứu sống rất nhiều người bởi nguồn tạng hiến từ người sống luôn rất thiếu trên khắp thế giới. Để ghép một trái tim cũng vô cùng khó khăn bởi trái tim hiến tặng cần lấy ra khỏi cơ thể người cho khi họ chỉ vừa mới chết não, cấy ghép ngay vào người nhận trong vài giờ. Tạng hiến cũng đòi hỏi nhiều điều kiện tương thích về mặt sinh học và kích thước.
Bác sĩ Sir Terence English cho biết nhóm của ông ở Đại học Alabama (Mỹ) vừa đạt được những tiến bộ đột phá về gene và từ đó sẽ cố gắng để ghép một quả thận heo cho người tình nguyện ẩn danh trong năm nay. Trong vòng 3 năm tới, ca ghép tim heo cho người đầu tiên sẽ được thực hiện.
Sir Terence English, bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng người Anh vừa tuyên bố mình và các cộng sự Mỹ đã có bước tiến đột phá trong kỹ thuật ghép tim lợn |
Lý do quả thận được chọn để thử nghiệm trước là vì nếu ca mổ không thành công, người nhận tim heo vẫn có thể loại bỏ cơ quan cấy ghép này và chạy thận trở lại như trước trong khi chờ đợi được ghép thận người hoặc một quả thận heo khác với kỹ thuật hoàn chỉnh hơn.
Tháng 12-2018, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Ludwig Maximilian (Munich- Đức) đã công bố bài báo gây chấn động trên tạp chí Nature: một con khỉ đầu chó- họ hàng rất gần với con người về mặt sinh học đã sống được 195 ngày sau khi ghép một quả tim heo.
Một thống kê của Mạng lưới chia sẻ nội tạng Liên bang Mỹ cho biết mỗi ngày có khoảng 20 người chết vì không đủ sức chờ được ghép tạng. Ở Anh, thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 1.000 người qua đời vì lý do này.