Cơm áo không đùa với khách thơ

[Ngày Nay] - Nhà hát, rạp chiếu phim hay những hoạt động liên quan đến văn hóa nghệ thuật thường bị đóng cửa đầu tiên khi dịch COVID-19 bùng phát, cũng là địa điểm cuối cùng được mở lại khi dịch hạ nhiệt. Các sân khấu ‘điêu đứng’, giới nghệ sĩ lao đao vì mất thu nhập. Họ đang nỗ lực không ngừng để vượt qua nỗi lo “cơm áo” hàng ngày, đồng thời chung tay cùng cộng đồng thắp lên tình yêu, hi vọng và sự đoàn kết của người dân thế giới giữa đại dịch.
Các nghệ sĩ đường phố ở Mỹ loay hoay mưu sinh trong đại dịch.
Các nghệ sĩ đường phố ở Mỹ loay hoay mưu sinh trong đại dịch.

Tìm kế sinh nhai giữa mùa dịch

Vội vã trên chiếc xe đạp với một thùng thức ăn đằng sau, anh Taiga Fukutani, 44 tuổi đang băng băng trên các con phố Tokyo (Nhật Bản) để kịp giờ giao hàng. Khó ai có thể nghĩ rằng anh Shipper giản dị kia đã từng đứng trên những sân khấu rực rỡ, giữa những tràng tiếng vỗ tay không ngớt của khán giả.

Trước khi dịch COVID-19 xảy ra, anh Taiga Fukutani là một nghệ sĩ hài kịch, thường đi diễn tại các sự kiện, quán rượu và các show giải trí trên truyền hình. Thế nhưng giờ mọi việc đã khác. Cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra từ giữa tháng 3 vừa qua khiến công việc của anh ế ẩm. Không một hợp đồng biểu diễn, anh Fukutani buộc phảỉ tìm kiếm công việc khác để sống qua ngày. Giao hàng cho cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s, với hạn ngạch mỗi ngày 5 chuyến và bắt đơn ship hàng qua ứng dụng Uber, anh Fukutani chia sẻ: mỗi ngày, anh kiếm được khoảng 70 đô la từ bắt đơn qua ứng dụng Uber và 30 đô la từ tiệm ăn nhanh. Tổng thu nhập là 100 đô la/ngày có thể coi là tạm đủ cho cuộc sống của anh và vợ con tại đô thị đắt đỏ như Tokyo. Anh nói “Cuộc sống không dễ dàng gì. Thu nhập hiện giờ của tôi chỉ bằng 1 phần 4 so với mức thu nhập trước đây”. Anh hi vọng dịch bệnh sớm qua đi và được làm lại công việc mà mình yêu thích.

Anh Fukutani chỉ là một trong số rất nhiều nghệ sĩ trên khắp thế giới đang lâm vào cảnh thất nghiệp do dịch bệnh. Đối với những nghệ sĩ lớn có tên tuổi, dịch COVID-19 sẽ là thời điểm để họ nghỉ ngơi, khơi nguồn lại các đam mê và tìm tòi những sáng tạo mới. Tuy nhiên đối với những nghệ sĩ nghiệp dư và mới nổi lên, dịch COVID-19 khiến họ phải loay hoay tìm cách kiếm sống, đổi nghề, thậm chí là làm shipper hay chạy Grab để chờ dịch qua đi.

Cơm áo không đùa với khách thơ ảnh 1

Thông điệp “Hãy ở nhà!” được thể hiện bằng nghệ thuật Graffiti tại Ấn Độ.

Lori Frank – một họa sĩ có những tác phẩm được bày bàn tại các trung tâm văn hóa nghệ thuật hay các lễ hội, chương trình nghệ thuật ở Toronto của Canada. Tuy nhiên dịch COVID-19 đã khiến mọi thứ dừng lại và nguồn kiếm sống của cô cũng bị gián đoạn.  Không thể đợi chờ vì dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc, Frank buộc phải nghĩ ra cách khác.

Giống như những người khác, cô đã xoay chuyển công việc kinh doanh bằng cách đầu tư một webcam và tạo video về công việc của mình, nắm bắt các công nghệ cập nhật mà cô chưa từng sử dụng trước đây như Zoom và Facebook để kết nối với những người mua tiềm năng. “Nếu họ muốn xem một bức tranh trực tuyến, tôi sẽ Facetime cho họ hoặc bất cứ lúc nào họ muốn. Tôi cũng cung cấp dịch vụ đón khách hàng tới kho trưng bày, với yêu cầu những người mua và bán đều đeo khẩu trang và ở cách nhau hai mét”. Cô cho rằng đó là một quá trình chuyển đổi khó khăn. Không chỉ thay đổi cách thức làm việc, tư duy làm việc cũng cần sự sáng tạo. Những bức tranh cô tạo ra sẽ hướng đến vẻ đẹp, sự yên bình, sử dụng những màu sắc tươi vui, rực rỡ để người xem cảm nhận được hi vọng và niềm vui. Việc kinh doanh không thể thuận lợi giống như trước dịch COVID-19 nhưng cô bắt đầu thấy những điểm sáng le lói. Có những khách hàng đầu tiên mặc dù chỉ là những bức tranh nhỏ lẻ với số tiền không nhiều, nhưng cũng là niềm vui và động lực cho sự cố gắng của cô mỗi ngày. Frank chia sẻ, “mọi thứ sẽ qua đi và tôi luôn cởi mở, tích cực với suy nghĩ lạc quan của mình.”

Biến khủng hoảng thành cơ hội

Đức là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng kế hoạch hỗ trợ cho những người làm việc trong các lĩnh vực văn hóa, truyền thông và sáng tạo bị tác động bởi dịch COVID-19. Gói tài chính trị giá 50 tỷ euro bao gồm khoản trợ cấp trực tiếp lên tới 15.000 euro trong vòng 3 tháng, giúp trang trải chi phí thuê phòng trưng bày và studio của nghệ sĩ, đồng thời thay đổi luật để bảo vệ nghệ sĩ và các cá nhân khác không bị đuổi ra khỏi nhà giữa khó khăn của đại dịch. Chính phủ cũng cung cấp các khoản vay hợp lý để giúp những nghệ sĩ vượt qua khó khăn tài chính, trong khi những người làm nghề tự do sẽ nhận được bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng.

Chính phủ Anh cũng công bố một kế hoạch hành động tương tự. Hội đồng nghệ thuật sử dụng 160 triệu bảng quỹ tài trợ để giúp đỡ các nghệ sĩ, trong đó 20 triệu bảng dành riêng cho các nghệ sĩ và những người làm trong ngành giải trí. Các quốc gia khác trên toàn cầu cũng bắt đầu công bố các chương trình hỗ trợ tương tự.

Tuy nhiên chính phủ không phải là nơi duy nhất các nghệ sĩ dựa vào để vượt qua khó khăn. Họ đang tìm cách bảo vệ nhau, hỗ trợ nhau, biến khủng hoảng thành cơ hội. Tại Italia, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi dịch COVID-19, người phụ trách phòng tranh Giada Pellicari đã thiết lập một tài khoản Instagram @artistsinquarantine, nơi các nghệ sĩ có thể chào bán tác phẩm của mình. Hiện hàng trăm nghệ sĩ đang sử dụng nhóm này để quảng cáo các tác phẩm của riêng mình và công việc mua bán đang diễn ra rất thuận lợi.

Một sáng kiến tương tự cũng được nghệ sĩ Matthew Burrows tại Anh đưa ra. Được đặt tên là Artist Support Pledge, sáng kiến này mời các nghệ sĩ mới nổi đăng tác phẩm của họ lên Instagram với hashtag #artistsupportpledge. Tất cả các tác phẩm nghệ thuật phải có giá cả phải chăng (dưới 200 bảng Anh) và khi một nghệ sĩ bán các tác phẩm trị giá hơn 1.000 bảng Anh, người đó cam kết mua một tác phẩm nghệ thuật của một nghệ sĩ khác trong nhóm. Bằng cách đó, các nghệ sĩ có thể giúp nhau vượt qua khủng hoảng.

 Không còn ánh đèn sân khấu, nhưng các nghệ sĩ vẫn tiếp tục làm say mê hàng triệu khán giả, chỉ có điều lần này là trên những sân khấu ảo. Việc các nghệ sĩ đời thực xuất hiện trong các buổi biểu diễn ảo trên các nền tảng game trực tuyến dần trở nên phổ biến, trở thành xu thế mới trong thời đại  COVID-19. Khơi mào cho xu thế này là Rapper người Mỹ Travis Scott hóa thân thành một nhà du hành vũ trụ phiêu lưu trong cõi huyền ảo, thu hút đến 12,3 triệu người chơi game đình đám Fornite. Theo nhà quản lý game, hơn 27,7 triệu khán giả đã xem buổi phát sóng đầu tiên. Đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi. Các nghệ sĩ có thể thu hút các “fan” tiềm năng, trong khi các nhà phát hành game sẽ có thêm nhiều người chơi. Các nguồn thu online hiện nay đến từ các giao dịch mua đồ cho nhân vật trong game hoặc fan có thể tặng vật phẩm cho nghệ sĩ, đổi lại nghệ sĩ sẽ tương tác với người hâm mộ. Ngoài ra, các buổi biểu diễn ảo có thể thu tiền vé với các mức giá khác nhau.

Nghệ thuật chữa lành vết thương

Lao đao vì dịch COVID-19 nhưng không vì thế mà tình yêu nghề hay ngọn lửa đam mê bị “nguội lạnh” bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Những nghệ sĩ vẫn khao khát được đứng trên sân khấu hay quay lại với công việc mình yêu thích. Trong khi thế giới luôn chứng kiến số ca mắc và tử vong COVID-19 không ngừng tăng lên, những người nghệ sĩ bằng tài hoa nghệ thuật của mình đang giúp chữa lành những vết thương, thắp lên tình yêu, hi vọng và sự đoàn kết của người dân thế giới giữa đại dịch.

Người dân thế giới chắc không quên được hình ảnh danh ca khiếm thị Andrea Bocelli đứng giữa thánh đường Duomo Milan, Italia- nơi vốn là tâm dịch COVID-19 của thế giới, cất lên tiếng hát gửi gắm những thông điệp về tình yêu, chữa lành những tổn thương và thắp lên hi vọng cho thế giới giữa cơn bão  COVID-19. Không khán giả, không khách mời nổi tiếng, không dàn nhạc hoành tráng như thường lệ, song hành cùng danh ca chỉ là một một nghệ sĩ chơi đàn organ của nhà thờ.

Cơm áo không đùa với khách thơ ảnh 2

Thông điệp “Hãy ở nhà!” được thể hiện bằng nghệ thuật Graffiti tại Ấn Độ.

Trong không gian vắng lặng, dưới vòm thánh đường lộng lẫy nhất của thành phố Milan, vang lên bài thánh ca Panis Angelicus của người nghệ sĩ khiếm thị, giống như cái ôm ấm áp dành cho người dân thế giới giữa đại dịch. Giai điệu các bài hát vang lên tại thủ phủ vùng Lombardy, nơi chịu nhiều đau thương nhất của Italia cũng như của châu Âu trong đại dịch COVID-19 ẩn chứa thông điệp về tình thương, niềm hi vọng và sự hồi sinh… khiến bất cứ ai cũng phải xúc động giữa những ngày cả thế giới cùng chung sức trong cuộc chiến với COVID-19.

Các ngôi sao trong làng giải trí cũng tích cực chung tay cùng cộng đồng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch, với nhiều hình thức khác nhau, từ quyên góp tiền mặt đến tổ chức hòa nhạc gây quỹ. Hàng loạt các Livestream concert lớn nhất lịch sử, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ lớn nhỏ trên khắp thế giới liên tiếp diễn ra, vừa kêu gọi sự đoàn kết của người dân thế giới cùng chung tay đẩy lùi dịch COVID-19, vừa gây quỹ để hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch.  Livestream Concert Cùng nhau ở nhà (One World: Together at Home) do nữ ca sĩ Lady Gaga khởi xướng, kết hợp với Tổ chức Y tế thế giới  (WHO) và Quỹ Công dân toàn cầu (Global Citizen),đã gây quỹ được hơn 35 triệu USD trong những ngày đầu phát động. Chung tay vì người nghèo, rapper da màu Snoop Dogg đã gửi tặng những suất bánh mỳ kẹp chay của hãng Beyond Meat tới một trung tâm bảo trợ xã hội ở thành phố Los Angeles. Siêu mẫu Karlie Kloss và nam diễn viên hài Kevin Hart cũng là những đại sứ thương hiệu của Beyond Meat hưởng ứng chương trình tặng hơn 1 triệu bánh mỳ chay cho người nghèo. Trong lúc cả thế giới đang oằn mình chống lại loại virus nguy hiểm này, hành động ý nghĩa của các nghệ sĩ không đơn thuần chỉ là nguồn hỗ trợ thiết thực, mà còn tiếp thêm động lực, tinh thần và niềm tin cho người dân thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Cơm áo không đùa với khách thơ ảnh 3
Danh ca người Ý Andrea Bocelli thể hiện bài hát Amazing Grace  để cổ cũ chống dịch  COVID theo hình thức trực tuyến.

Không có sức hút lớn như các nghệ sĩ tên tuổi trên thế giới hay tổ chức những buổi hòa nhạc quy mô lớn, nhiều nghệ sĩ đường phố tại Anh cũng đóng góp phần nhỏ bé của mình trong chiến dịch cổ động người dân đối phó với Covid. Đứng trước bức tranh tường ở phía nam London, với hình một nữ y tá đeo khẩu trang, anh Nathan Bowen – một nghệ sĩ vẽ tranh đường phố chia sẻ, là một họa sĩ vẽ chân dung và muốn tôn vinh mọi người thông qua nghệ thuật của mình, bức tranh vẽ nữ y tá như một lời cảm ơn đặc biệt của anh gửi đến các y bác sĩ đang trên tuyến đầu chống dịch. Những bức tranh đường phố cũng chứa những thông điệp, kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, hay thể hiện sự lạc quan, niềm hi vọng về cơ hội chiến thắng bệnh dịch.

Tôi đã trải qua bao hiểm nguy, nhọc nhằn, cạm bẫy... Ân huệ đã cho tôi sự an toàn... Dẫn tôi về nhà... tôi sẽ hưởng một cuộc sống đầy niềm vui và hòa bình” ... những ca từ ý nghĩa trong bài Amazing Grace kết thúc buổi biểu diễn của danh ca Bocelli tại thánh đường Duomo Milan như lời tự sự của người nghệ sĩ, của người dân thế giới giữa khó khăn của đại dịch, nhưng sau cùng vẫn ánh lên hi vọng về niềm vui và hạnh phúc sẽ đến với thế giới.

Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy trình diễn trong đêm nhạc đỉnh cao
(Ngày Nay) - Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Công Duy sẽ trình diễn tác phẩm âm nhạc nổi tiếng thế giới trong “Đêm nhạc Mozart, Beethoven & Brahms” diễn ra tối 27/4 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Nghệ sỹ và dàn nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn dưới dự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh.
Việc đánh đập trẻ em khiến sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, học hành sa sút và tăng cao tỷ lệ bạo lực và lạm dụng. Ảnh: Getty Images
Anh quốc: Kêu gọi cấm phụ huynh đánh con
(Ngày Nay) - Các chuyên gia y tế kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, bao gồm nước Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hình phạt thể xác đối với trẻ em vì cho rằng việc này có hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ.
Vị trí đắc địa mang tới cảnh quan, sinh thái, môi trường sống vượt trội cho phân khu Quý Tộc
Phân khu Quý Tộc - BĐS “chữa lành” với vị trí sang quý bậc nhất Thành phố Đảo Hoàng Gia
(Ngày Nay) - Vừa ra mắt thị trường, phân khu Quý Tộc (Vinhomes Royal Island) đã được nhiều khách hàng và nhà đầu tư đánh giá là lựa chọn lý tưởng cho nhu cầu sống thụ hưởng đỉnh cao, cũng là sản phẩm giàu tiềm năng nhờ sở hữu vị trí sang quý bậc nhất trong lòng Thành phố Đảo Hoàng Gia.