Buổi họp của cư dân tại chung cư Harmona.
Cần "rút kinh nghiệm"
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND TP HCM khẳng định: "Quan điểm của UBND TP HCM là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân đã mua căn hộ hợp pháp khi trả lời báo chí hôm 30/5 về vụ siết nợ gây xôn xao dư luận xảy ra tại chung cư The Harmona (quận Tân Bình, TP HCM).
Theo ông Võ Văn Hoan: “Trong trường hợp này, người mua căn hộ không có lỗi gì cả. Vấn đề nằm ở giữa chủ đầu tư và ngân hàng. Quan điểm của UBND TP HCM là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân đã mua căn hộ hợp pháp”.
Ông Võ Văn Hoan cho rằng, chủ đầu tư và ngân hàng phải làm việc với nhau để giải quyết dứt điểm việc thế chấp, vay vốn nhằm trả lại quyền sở hữu căn hộ hợp pháp của người dân đã bỏ tiền ra mua. Việc ngân hàng đòi siết căn hộ của người dân đã mua để cấn trừ nợ của chủ đầu tư là hoàn toàn không phù hợp. Nếu vẫn bị siết nợ một cách tréo ngoe như vậy, người dân có quyền khởi kiện ra tòa.
Theo ông Võ Văn Hoan, phía ngân hàng cho vay trong trường hợp này cũng cần xem lại nội bộ của mình, bởi lẽ khi giải ngân cho vay, ngân hàng có trách nhiệm kiểm tra tài sản thế chấp có hợp lệ hay không. “Người dân tình ngay mà bị lý gian là không chấp nhận được”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Cũng liên quan đến vụ việc này, trước đó, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, cơ quan này đã có buổi làm việc với chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn và nhận thấy có lỗi ở cả hai phía: ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn, theo ông Minh thì trong quá trình cho vay đơn vị này không có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của dự án chung cư, tức là chưa làm tốt vấn đề thu hồi nợ theo quy chế tín dụng của ngân hàng. Trước sự việc trên, Ngân hàng Nhà nước đề nghị cả hai bên cùng rút kinh nghiệm và ngồi lại với nhau tìm hướng giải quyết hợp lý.
Hệ lụy từ "thế chấp tài sản hình thành từ đất"
Nhưng liệu việc rút kinh nghiệm có khiến cư dân chung cư The Harmona yên tâm?.
Theo thông tin chúng tôi có được, từ năm 2008, Công ty CP Thanh Niên đã có quan hệ tín dụng với chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn để thực hiện dự án The Harmona. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của dự án và quyền tài sản phát sinh từ dự án. Tài sản bảo đảm đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn cho rằng phía ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản bảo đảm là dự án The Harmona từ năm 2008, trước khi chủ đầu tư bán căn hộ cho người mua, hợp đồng thế chấp đã được đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong tất cả các Hợp đồng tín dụng ký kết giữa chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn và Công ty CP Thanh Niên liên quan đến việc tài trợ dự án The Harmona đều có điều khoản nêu rõ việc chuyển nhượng tài sản khi chưa trả hết nợ phải có ý kiến chấp thuận của Ngân hàng và tiền bán hàng từ dự án phải được chuyển về tài khoản tại BIDV để thu nợ.
Tuy nhiên, vẫn theo ngân hàng, đến nay mới chỉ có 136 tỷ đồng tiền bán căn hộ được chuyển về chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn, trong đó BIDV đã giải chấp đối với 19 căn hộ đã nộp đủ tiền qua tài khoản của chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn, tương ứng với 1.424m2, với giá trị giải chấp tương đương 40 tỷ đồng.
Dự án chung cư Harmona do Công ty Cổ phần Thanh Niên làm chủ đầu tư.
Trong một văn bản phát ra ngày 30/5, phía ngân hàng tiếp tục khẳng định: Việc Công ty CP Thanh Niên bán hết căn hộ cho khách hàng mà không chuyển tiền về tài khoản của chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn đã vi phạm cam kết với chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn. Và rằng "Công ty CP Thanh Niên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc không thực hiện được giao dịch mua bán nhà theo đúng quy định của pháp luật và cam kết đối với chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn cũng như các bên liên quan".
Những thông tin này cũng được phía Công ty CP Thanh Niên thừa nhận. Công ty này cũng thừa nhận đến ngày 15/6 tới sẽ trả hết nợ cho chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn.
Như vậy đã có một hợp đồng đúng luật. Tài sản được thế chấp đúng luật. Việc xử lý tài sản của phía ngân hàng cũng đúng luật nốt. Chỉ có quyền lợi của người dân thì thiệt hại dù họ bỏ tiền mua nhà cũng… đúng luật.
Phải làm sao, như thế nào?
Cho dù ngân hàng nhân từ. Cho dù cơ quan quản lý Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) hay chính quyền địa phương có "kiên quyết bảo vệ người dân" thì những cư dân chung cư The Harmona vẫn có lý do để lo lắng. Dù là bên thứ 3 ngay tình, dù đã mất một đống tiền mua nhà nhưng về nguyên tắc, tài sản đang tranh chấp (đang thế chấp, chưa trả nợ) sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Hay nói cách khác những người dân ở đây (trừ 19 hộ may mắn kể trên) sẽ vẫn chịu kiếp "ở nhờ" trong căn nhà của mình.
Và không chỉ ở chung cư The Harmona, nhiều nơi khác cũng có tình trạng chủ đầu tư lấy dự án thế chấp nhưng khi đem bán căn hộ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại "quên" trả tiền ngân hàng. Dù rằng chủ đầu tư không bị khởi tố hình sự về tội "lừa đảo" như có luật sư "xui", chỉ cần chủ đầu tư chưa có tiền trả nợ thì số phận những cư dân trót mua nhà đã thế chấp vẫn như treo trên sợi chỉ mành. Ngân hàng có thể "tiến hành xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ vay" hay nói cách khác là thu lại nhà đất bất cứ lúc nào. Đây là cái giá mà cư dân chung cư The Harmona cũng như một số chung cư khác phải chịu nếu chủ đầu tư không trả được nợ.
Vấn đề là trong tương lai không để xảy ra những "The Harmona" nữa. Điều cần thiết là phải minh bạch thông tin. Trong dự án chung cư The Harmona chỉ có 19 hộ được "giải cứu" nhờ "nộp đủ tiền qua tài khoản của BIDV Bắc Sài Gòn, tương ứng với 1.424m2, với giá trị giải chấp tương đương 40 tỷ đồng". Còn những hộ khác thì không. Nếu biết mua nhà đang được thế chấp hẳn nhiều khách hàng sẽ ngần ngại hoặc thận trọng hơn. Và hẳn nếu "máu mua", thì số tiền mua nhà đã phải đến đúng "địa chỉ", đúng với ông chủ thực của dự án - Ngân hàng.
Ở đây cũng không thể không nói về trách nhiệm của những chủ nhân thực sự của dự án - Ngân hàng. Dù rằng BIDV Trung ương có ra văn bản cho rằng chi nhánh BIDV Bắc Sài Gòn đúng mọi lẽ thì cũng không thể phủ nhận rằng, phía ngân hàng đã tắc trách khi để "con nợ" bán tài sản thế chấp mà "không biết". Cái sự "không biết" này không chỉ dẫn đến nguy cơ ngân hàng mất vốn mà còn dẫn đến cảnh hàng trăm hộ dân có thể "ra đường" bất cứ lúc nào.
Vả chăng, việc thế chấp "tài sản hình thành trong tương lai" đang là kẽ hở để chủ đầu tư một số dự án "lách luật"?
Dương Tiêu