Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở phân tích các chùm ca nhiễm trước đây. Để tìm hiểu về khả năng lây lan của biến thể Omicron, các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng siêu máy tính Fugaku để mô phỏng sự lây lan của các giọt bắn có chứa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, với giả định rằng biến thể này có khả năng lây lan cao hơn 50% so với biến thể Delta.
Kết quả phân tích của siêu máy tính Fugaku cho thấy nguy cơ nhiễm bệnh là gần như bằng 0 nếu một người đeo khẩu trang nói chuyện khoảng 15 phút trong khoảng cách từ 1m trở lên với một người nhiễm biến thể Omicron đeo khẩu trang. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên khoảng 14% khi họ nói chuyện trong khoảng cách 50cm.
Trong trường hợp người nhiễm biến thể Omicron không đeo khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên khoảng 60% nếu họ đứng hoặc ngồi cách nhau khoảng 1m và gần 100% nếu họ đứng hoặc ngồi cách nhau dưới 50cm.
Trong trường hợp họ ngồi gần nhau tại một sự kiện, nguy cơ lây nhiễm sẽ là 40% ngay cả khi cả hai đều mang khẩu trang. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên 50% đối với những người ngồi gần đó nếu người nhiễm bệnh không đeo khẩu trang.
Với các kết quả này, giới nghiên cứu Nhật Bản khuyến cáo việc duy trì khoảng cách đủ lớn khi tiếp xúc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron. Ông Makoto Tsubokura, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh ngoài việc đeo khẩu trang, điều quan trọng là phải để ý tới thời gian và khoảng cách khi tương tác hoặc nói chuyện với người khác.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho biết nguy cơ lây nhiễm trong lớp học sẽ thấp nếu mọi học sinh và giáo viên đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách đủ lớn. Ngoài ra, có thể cho phép học sinh nghỉ giữa giờ thường xuyên hơn để giảm số lượng giọt bắn gia tăng trong không gian sau các tiết học.