Công nghệ 'làm mới' sân khấu Việt và giấc mơ nhà hát đạt chuẩn

Trước đây, khán giả Việt vẫn quen với hình ảnh sân khấu là một sàn diễn vài chục mét vuông với những riềm, cánh gà cố định tồn tại từ đầu đến cuối vở diễn, chung cho các loại hình nghệ thuật nên khó tránh khỏi nhàm chán, thiếu sáng tạo. Vài năm trở lại đây, nhiều nhà hát cũng như giới làm nghề ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại để đưa vào các tác phẩm, tạo được dấu ấn với người xem.
Tiết mục ca cảnh Hồ hướng Tây Sơn khởi tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 - 2020) Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Tiết mục ca cảnh Hồ hướng Tây Sơn khởi tại chương trình sân khấu hóa kỷ niệm 231 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử (1789 - 2020) Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

"Đã tai - đã mắt" nhờ công nghệ 

Cách đây vài năm, khi dựng vở "Mai Hắc Đế", Nhà hát Cải lương Việt Nam lần đầu tiên đưa màn LED vào phát huy hỗ trợ trang trí sân khấu. Cùng với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, đầu tư trang trí lớn… một câu chuyện lịch sử được các nghệ sỹ Nhà hát cải lương Việt Nam “kể” trên sân khấu, với sự  hỗ trợ hợp lý của công nghệ. Trong đó, màn hình LED được sử dụng để trình chiếu những hình ảnh minh họa phù hợp với diễn xuất của diễn viên, đặc biệt là hình ảnh về cuộc khởi nghĩa quy tụ hơn 40 vạn nghĩa binh cách đây hàng ngàn năm đã mang đến sự hấp dẫn, thích thú đặc biệt cho khán giả bởi họ được "đã tai, đã mắt” khi được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật có tính chất nghe nhìn, giải trí cao.

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu để tăng hiệu quả thị giác cho khán giả được các nhà hát sử dụng thường xuyên. Khán giả cũng từng rất ấn tượng với vở cải lương "Vua Phật", tác phẩm khắc họa hành trình của vua Trần Nhân Tông từ khi là thái tử, đến lúc lên ngôi vua, đánh tan quân xâm lược, nhường ngôi cho con rồi xuất gia tu đạo. Góp phần làm "Vua Phật" tạo tiếng vang là việc đạo diễn Triệu Trung Kiên khéo léo sử dụng ngôn ngữ điện ảnh vào vở diễn với hai màn hình LED lớn thay cho phông nền. Những thước phim đẹp, chất lượng nghệ thuật cao về cảnh hoàng cung, núi thiêng Yên Tử, bến thủy, chợ quê… đã tạo chiều sâu cho sân khấu khiến khán giả “mãn nhãn”.

Bên cạnh đó, việc đưa màn hình LED để thay đổi bối cảnh còn giúp giảm thiểu thời gian chuyển cảnh, khiến cho cảm xúc của khán giả được liền mạch hơn, đầy đặn hơn rất nhiều.

Mới đây, chương trình xiếc “Phù thủy đại chiến” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng khiến người xem ấn tượng khi ê-kíp thực hiện kết hợp xiếc với những loại hình nghệ thuật khác nhau như ảo thuật, múa, nhảy hiện đại… cùng các yếu tố kỹ xảo của sân khấu nổi 4D,  tạo không gian mới lạ, kích thích thị giác khán giả.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, để làm mới về kỹ thuật biểu diễn đối với một tiết mục xiếc là rất khó khăn. Chẳng hạn, muốn nâng cao một động tác kỹ thuật xiếc, người nghệ sỹ phải mất hàng năm tập luyện, chính vì vậy việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu như ánh sáng, hình ảnh và thiết kế đạo cụ là vô cùng quan trọng để tạo nên một chương trình nghệ thuật xiếc mới độc đáo và thu hút khán giả.

Không chỉ ở sân khấu truyền thống, mà ở nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật khác, việc tạo ra các hiệu ứng sân khấu ngoạn mục bằng công nghệ ánh sáng đã tạo nên hiệu quả đặc biệt đối với khán giả. Có thể kể đến hai vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” ở Hội An (Quảng Nam) và “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Hà Nội, với các thiết bị âm thanh và chiếu sáng hiện đại, hệ thống đạo cụ hỗ trợ quy mô lớn cùng diễn xuất của các diễn viên… hai vở diễn thực cảnh này đều mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ về văn hóa Việt Nam.

Mơ một nhà hát hiện đại chuẩn quốc tế

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam chia sẻ, việc sử dụng màn hình LED và những kỹ thuật hiện đại đã bắt đầu đưa vào sân khấu khoảng 5 năm trở lại đây, từ đó đến nay, những phương tiện đó đã thường xuyên được sử dụng, trở nên quen thuộc với khán giả. Thế nhưng, các phương tiện kỹ thuật hiện đại để áp dụng vào sân khấu vẫn chỉ xoay quanh việc xử lý, cải tạo để mang lại hiệu quả riêng biệt cho từng sân khấu, chứ thực tế chưa có phát hiện mới. Trong khi đó, ở các nước phát triển, từ lâu họ đã có những sân khấu hiện đại với khả năng quay nhiều chiều, nhiều tầng, lớp, có thể lên cao hay xuống thấp, mở rộng hay thu hẹp… tạo điều kiện tốt nhất cho sự tìm tòi, sáng tạo trong trang trí, dàn dựng, mở ra không gian linh hoạt, biến hóa, dịch chuyển thay cảnh chỉ trong vài giây.

Nhiều nhà nghiên cứu, lý luận và những người yêu nghệ thuật sân khấu cho rằng, hiện sân khấu Việt đang chững lại và phải đối mặt với nhiều khó khăn do khán giả ít đến rạp, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là do sân khấu Việt vẫn chưa vượt ra khỏi giới hạn về mặt kỹ thuật.

Quả thực, hiện nay ứng dụng công nghệ vẫn là khoảng trống khó lấp khiến nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam đang dần tụt hậu. Thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 80 nhà hát, công trình có chức năng tương đương đang hoạt động, nhưng lại có rất ít đơn vị có thể áp dụng những thành tựu của công nghệ vào hoạt động. Những đơn vị có tư duy đổi mới thì cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lại quá nghèo nàn, lạc hậu không thể đáp ứng yêu cầu. Nhiều nhà hát đã quá cũ, không gian nhỏ hẹp không thể lắp đặt các trang thiết bị kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, thiết kế đồ hoạ, kiến trúc mỹ thuật sân khấu… 

Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên  cho rằng, muốn lôi kéo được khán giả đến rạp, thì tính giải trí của sân khấu phải được đặt lên hàng đầu. Lúc này, sân khấu rất cần công nghệ mới, bởi bên cạnh kịch bản, đạo diễn, diễn xuất… thì trang thiết bị hiện đại được kết hợp một cách phù hợp sẽ tạo ra những hiệu ứng mong muốn, khơi dậy cảm xúc chân thực cho người xem. Có như vậy, sân khấu mới có thể cạnh tranh với những lĩnh vực khác như điện ảnh, truyền hình và các phương tiện nghe nhìn khác.  

Rạp biểu diễn với hệ thống cơ khí sân khấu hiện đại, một sân khấu nhiều chiều như ở các nước phát triển là mơ ước chung của nhiều nghệ sỹ sáng tạo trong nghệ thuật sân khấu Việt hiện nay. Bởi theo các nghệ sỹ, việc có được những rạp hát đạt chuẩn quốc tế sẽ chắp cánh cho sự sáng tạo của các nghệ sỹ. Ở đó, người nghệ sỹ sẽ có phương tiện để biến những ý tưởng, ước mơ, sự mường tượng của mình đến đến khán giả, tạo hiệu ứng và thu hút người xem.

“Có một nhà hát với các phương tiện đạt chuẩn, ngang tầm thế giới sẽ là yếu tố kích thích sự sáng tạo tạo nên một xu hướng mới, một khuynh hướng sáng tạo mới cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam”, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên chia sẻ.  

Theo TTXVN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.