Công ty Kim Oanh 'đứng sau' các vụ án ngàn tỷ?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thông tin điều tra cho thấy, Công ty Kim Oanh có nhiều liên quan đến vụ án sai phạm tại khu 43ha đất của Tổng Công ty Bình Dương 
Công ty Kim Oanh 'đứng sau' các vụ án ngàn tỷ?

Vụ án hình sự liên quan đến 43 ha đất vàng trị giá hàng ngàn tỷ đồng tại Tổng công ty SX-NNK Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương) đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Mới đây, Cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam thêm một số bị can gồm: Nguyễn Quốc Hùng (Giám đốc Công ty CP BĐS Âu Lạc), Phạm Hữu Hiền và Hồ Hoàng Nam (từng làm PTGĐ Công ty thẩm định giá Đông Nam), Nguyễn Đại Dương. Đây là tín hiệu cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng đã, đang và sẽ diễn ra quyết liệt, không có vùng cấm.

43 ha đất vàng về tay Công ty Kim Oanh với giá bất thường

Tổng công ty Bình Dương trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, được giao hơn 43 ha đất công để xây dựng khu đô thị Tân Phú, Bình Dương. Năm 2010, Tổng công ty cùng Công ty Âu Lạc thành lập Công ty liên doanh Tân Phú đầu tư tại khu đất 43 ha, Tổng công ty Bình Dương góp 60 tỷ đồng, chiếm 30%, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ. Phương án góp vốn được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt là góp vốn bằng tiền.

Dù không được phê duyệt góp vốn bằng đất hoặc chuyển nhượng đất, tháng 12/2016, Tổng công ty Bình Dương vẫn chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú với giá chỉ hơn 250 tỷ đồng, tương đương khoảng 580.000 đồng/m2. Chỉ tính theo bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương vào cùng thời điểm, thì giá trị 43 ha đất đã là 375,8 tỷ đồng, thất thoát 125,7 tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia bất động sản, nếu tính theo giá đất thị trường tại cùng thời điểm, chắc chắn số thất thoát sẽ hơn nhiều lần. Việc chuyển nhượng này không thông qua một tổ chức định giá hay đấu giá nào.

Sau đó, tháng 8/2017, Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng nốt 30% giá trị vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá hơn 161 tỷ đồng. Đến đây, toàn bộ 43 ha đất “vàng” thành tài sản riêng của tư nhân (Công ty Âu Lạc). Tổng công ty Bình Dương chỉ thu về 351 tỷ đồng (sau nhiều năm bỏ tiền đền bù, đầu tư), gồm 250 tỷ đồng chuyển nhượng đất trước đó và 101 tỷ đồng là tiền chênh lệch giữa giá bán 30% cổ phần (161 tỷ đồng) và 60 tỷ đồng tiền vốn góp ban đầu. Bản chất, 43 ha đất của Nhà nước được chuyển cho tư nhân với giá 351 tỷ đồng, tương ứng hơn 800.000 đ/m2, không qua định giá, đấu giá. Nếu so với giá hàng chục triệu đồng/m2 hiện nay, chênh lệch hàng ngàn tỷ đồng.

Cuối cùng, Công ty Âu Lạc bán 100% vốn cho Công ty A Đông Hải (sau này là Công ty Kim Oanh) với giá hơn 350 tỷ đồng. Công ty Kim Oanh có ngay 100% vốn Công ty Tân Phú với 43 ha đất.

Thâu tóm xong Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh động thổ dự án Khu đô thị Tân Phú. Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy phép xây dựng.

Nghiêm trọng hơn, theo quy hoạch, Khu đô thị Tân Phú có hơn 2.000 sản phẩm đất nền, nhà xây sẵn, Kim Oanh Group đã có dấu hiệu huy động vốn của nhiều khách hàng dưới hình thức góp vốn hay “hợp đồng vay tiền” liên quan đến Dự án Tân Phú thông qua Công ty Nam Kim với số tiền chuyển qua ngân hàng 405 tỷ đồng (chưa kể giao dịch tiền mặt và qua các kênh khác ngoài Công ty Nam Kim). Chỉ huy động tiền cho một phần nhỏ Dự án, số tiền thu về đã lớn hơn nhiều số tiền Công ty Kim Oanh mua Công ty Tân Phú để có được 43 ha đất. Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…

Có những giao dịch hàng chục tỷ đồng đã được chuyển tiếp cho Công ty Tân Phú. Hợp đồng được ghi rất rõ “Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh”. Dự án chưa hoàn thiện pháp lý thì đã nhận tiền, bản chất là bán, với giá hàng chục triệu đồng/m2.

Nhiều chuyên gia nhận định, mức giá 350 tỷ đồng Công ty Kim Oanh bỏ ra so với 43 ha đất là một mức giá không tưởng, bất hợp lý. Đằng sau mức giá này liệu có còn lợi ích nào khác?

Công ty Kim Oanh có tự nhiên được hưởng lợi thế này, lý do gì để Tổng công ty Bình Dương, Công ty Âu Lạc sau khi “kỳ công” lấy được đất của Nhà nước thì lại chuyển nhượng cho Công ty Kim Oanh với giá bất thường. Các vụ án tham nhũng, lãng phí đều có bóng dáng của lợi ích cá nhân và chắc chắn nội dung này sẽ được các cơ quan tố tụng làm rõ.

Khu đất 43 ha bị ngăn chặn và cấm chuyển dịch, sổ đỏ lô đất do Ngân hàng Phương Đông đang quản lý bị thu giữ. Bao giờ 43 ha đất này mới được Nhà nước thu hồi?

Công ty Kim Oanh 'đứng sau' các vụ án ngàn tỷ? ảnh 1

Dự án Hoà Lân

Hàng ngàn tỷ thất thoát trong vụ đấu giá “Hòa Lân”?

Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn cho Công ty Thiên Phú vay kinh doanh bất động sản, dư nợ năm 2008 là 507 tỷ đồng và 20.634 lượng vàng. Tài sản thế chấp là đất của Công ty Thiên Phú tại các Dự án Hòa Lân, Mỹ Phước 4, Cầu Đò tại Bình Dương. Quá trình Ngân hàng nông nghiệp cho vay và thu nợ của Công ty Thiên Phú đã có nhiều sai phạm, gây thất thoát hàng ngàn tỷ

Trước và trong khi vay vốn tại Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn, Công ty Thiên Phú có khả năng tài chính rất xấu, liên tục thua lỗ, âm vốn. Công ty Thiên Phú vay thực hiện dự án bất động sản, nhưng trước khi có quyết định giao đất, ngân hàng đã cho vay 592 tỷ đồng. Toàn bộ tiền trả lãi vay đều lấy từ tiền vay ngân hàng, Công ty không có vốn tự có tham gia dự án. Tài sản đảm bảo chưa hoàn thành việc đền bù. Tháng 12/2008, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn đã xử lý rủi ro với khoản vay của Công ty Thiên Phú. Hồ sơ xử lý rủi ro không có tài liệu chứng minh ngân hàng đã nỗ lực sử dụng mọi biện pháp để thu hồi nợ.

Để xử lý rủi ro do giá vàng biến động từ các khoản huy động và cho vay vàng, ngày 26/12/2008, Ngân hàng nông nghiệp Hội sở chuyển cho Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn 560,9 tỷ đồng để mua 318.714 chỉ vàng (theo giá 1,76 triệu đồng/chỉ). Tuy nhiên, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn không mua vàng theo đúng chỉ đạo. Sau đó, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn phải mua vàng với giá cao hơn, mất thêm 614 tỷ đồng.

Để thu hồi nợ vay, từ năm 2014 – 2017, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn giao cho Công ty đấu giá Nam Sài Gòn bán các quyền sử dụng đất của Công ty Thiên Phú thuộc 3 dự án Hòa Lân, Cầu Đò, Mỹ Phước 4 với tổng diện tích hàng trăm hecta. Thông báo Bán đấu giá nêu rõ thời hạn đặt cọc, thanh toán tiền sau khi trúng đấu giá. Thật “ngẫu nhiên”, Công ty Kim Oanh trúng đấu giá cả 3 khu. Nghiêm trọng và “ngẫu nhiên” tiếp là cả 3 lần đấu giá thành công thì Công ty Kim Oanh đều có vi phạm về đặt cọc quá hạn, trây ỳ nhiều tháng, nhiều năm chậm thanh toán tiền. Những doanh nghiệp tham gia đấu giá khác, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rất lớn và có uy tín, đã bị loại vì không thể biết trước các đặc ân mà Agribank Chợ Lớn và Công ty đấu giá Nam Sài Gòn không công bố trước, rành riêng cho Công ty Kim Oanh.

Công ty Kim Oanh chỉ trả trước một chút tiền, chịu lãi suất chậm trả 8%/năm, thấp hơn lãi suất tiền gửi, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền vay, nhưng vẫn mua được bất động sản với giá rẻ. Sau gần 2 năm, từ khi trúng đấu giá, so với 45 ngày như thông báo ban đầu, Công ty Kim Oanh mới trả hết tiền. Lúc này thì giá đất tại những khu vực này đã lên tăng gấp nhiều lần, tới hàng chục triệu đồng/m2. So với giá Công ty Kim Oanh mua trả chậm chỉ vài trăm ngàn đồng/m2. Công ty Kim Oanh chỉ phải bỏ ra hơn 1.750 tỷ đồng cho hàng trăm hecta đất ở cả 3 dự án có giá trị thị trường theo một số chuyên gia ước tính lên đến 7.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng đất tại Dự án Hòa Lân, giá thị trường theo nhận định một số chuyên gia là lên đến 5.000 tỷ đồng.

Trong khi tài sản bảo đảm được bán cho Công ty Kim Oanh với giá và các điều kiện bất thường, một chi nhánh ngân hàng thương mại thu không đủ nợ vay của Công ty Thiên Phú từ việc bán tài sản, số tiền không thu được theo chính ngân hàng nêu lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Nhưng phía ngân hàng thương mại không tịch thu tiền cọc, định giá để tổ chức đấu giá lại tài sản thu thêm hàng ngàn tỷ cho Nhà nước. Khi Công ty Thiên Phú kiện đòi hủy kết quả đấu giá, chính phía ngân hàng thương mại này yêu cầu Tòa công nhận kết quả đấu giá, tạo điều kiện cho Công ty Kim Oanh hưởng lợi trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Các sai phạm của phía ngân hàng thương mại trong việc cho vay với Công ty Thiên Phú gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng được Thanh tra Chính Phủ nhận định có dấu hiệu tội phạm và kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra. Để khắc phục sai phạm trong quá trình cho vay, Ngân hàng nông nghiệp Chợ Lớn lại tiếp tục sai phạm trong việc bán đấu giá tài sản nợ vay, tiếp tục gây thất thoát tài sản cho Nhà nước. Lợi ích cuối cùng trong vụ việc này tiếp tục thuộc về Công ty Kim Oanh.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.